Người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp có được hỗ trợ học nghề hay không?
Người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp có được hỗ trợ học nghề không?
Căn cứ Điều 15 Luật việc làm 2013 quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn như sau:
1. Căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
2. Người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng các chế độ sau đây:
a) Hỗ trợ học nghề;
b) Tư vấn miễn phí về chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, học nghề;
c) Giới thiệu việc làm miễn phí;
Vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này.
Theo đó, người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo như quy định trên.
Hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn như thế nào?
Theo quy định tại Điều 16 Luật việc làm 2013 quy định về hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn như sau:
Người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 03 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Điều 4 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng như sau:
1. Người khuyết tật: Mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.
2. Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
3. Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: Mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.
4. Người thuộc hộ cận nghèo: Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
5. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này: Mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
6. Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
7. Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 của Điều này chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.
8. Mức chi phí đào tạo cho từng nghề và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phê duyệt phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế và đặc thù của từng vùng, địa phương.
Đối với những nghề có chi phí đào tạo thực tế lớn hơn mức hỗ trợ tối đa quy định tại Điều này, các địa phương, cơ sở đào tạo chủ động xây dựng phương án huy động nguồn kinh phí bổ sung từ ngân sách địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của người học và nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo.
9. Ngoài các đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy theo điều kiện, khả năng ngân sách địa phương, bố trí và huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho các đối tượng khác có nhu cầu học nghề.
Như vậy, người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 03 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh