Giám định viên tư pháp hoạt động bao lâu mới đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp?
Giám định viên tư pháp có kinh nghiệm làm việc 3 năm là đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp?
Căn cứ Điều 15 Luật giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 quy định về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp như sau:
1. Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;
b) Có Đề án thành lập theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Theo đó, giám định viên tư pháp có từ đủ 03 năm trở lên hoạt động giám định, và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trên, thì được đề nghị thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp bao gồm gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật giám định tư pháp 2012 về hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp như sau:
Giám định viên tư pháp xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp gửi hồ sơ xin phép thành lập đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn xin phép thành lập;
b) Bản sao Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp;
c) Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;
d) Đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện.
Tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Đơn xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 của Luật giám định tư pháp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; số chứng minh thư nhân dân của người xin phép thành lập Văn phòng;
b) Họ và tên thành viên hợp danh, thành viên góp vốn;
c) Tên gọi, địa chỉ trụ sở dự kiến của Văn phòng;
d) Lĩnh vực giám định tư pháp;
đ) Cam kết về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động.
Ngoài ra Điều 5 Thông tư 138/2013/TT-BTC quy định về điều kiện về cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính như sau:
Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải có đủ các điều kiện sau:
1. Có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tối thiểu là 03 (ba) năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định.
Khi thay đổi trụ sở, Văn phòng giám định tư pháp phải thông báo bằng văn bản đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động trước 01 tháng.
2. Có phòng làm việc cho giám định viên và nhân viên; có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định.
Như vậy, hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng giám định tư pháp bao gồm các giấy tờ theo như quy định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh