Phối hợp trong việc bổ sung chứng cứ trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào?
Phối hợp trong việc bổ sung chứng cứ trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi như thế nào?
Tại Điều 19 Thông tư liên tịch 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH có quy định về phối hợp trong việc bổ sung chứng cứ trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi như sau:
1. Việc phối hợp bổ sung chứng cứ phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong giai đoạn truy tố, nếu thấy các chứng cứ đã thu thập còn mâu thuẫn chưa được làm rõ thì Kiểm sát viên trao đổi với Điều tra viên để yêu cầu bổ sung chứng cứ. Điều tra viên có trách nhiệm thực hiện yêu cầu bổ sung chứng cứ và chuyển ngay các tài liệu, chứng cứ sau khi thu thập, bổ sung được cho Kiểm sát viên.
2. Trường hợp cần làm rõ thêm các nội dung nêu trong kết luận giám định thì Kiểm sát viên mời Giám định viên, đồng thời thông báo cho Điều tra viên biết để cùng nghe Giám định viên giải thích. Giám định viên có trách nhiệm giải thích rõ những nội dung yêu cầu của Kiểm sát viên, nội dung giải thích phải lập thành biên bản và lưu hồ sơ vụ án.
3. Trường hợp Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên nghiên cứu nội dung yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ và xét thấy không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên tiến hành các hoạt động điều tra. Trường hợp không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.
Viện kiểm sát trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi như thế nào?
Tại Điều 20 của Thông tư liên tịch này có quy định về việc viện kiểm sát trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi như sau:
1. Trong giai đoạn truy tố, nếu chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ mà thấy có thể tự khắc phục được thì Kiểm sát viên và Điều tra viên phối hợp thu thập chứng cứ. Nếu không thể khắc tự phục thì Viện kiểm sát trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.
2. Trường hợp thấy cần thiết phải trực tiếp kiểm tra hiện trường, xem xét các vật chứng, dấu vết thì Kiểm sát viên trao đổi để Điều tra viên phối hợp thực hiện. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động trên.
3. Trường hợp cần dựng lại hiện trường vụ án, diễn lại tình huống thực nghiệm điều tra đơn giản thì Kiểm sát viên chủ trì, phối hợp với Điều tra viên để thực hiện. Việc thực nghiệm điều tra phải tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân