Đăng ký kết hôn ở nước ngoài có được pháp luật Việt Nam công nhận hay không?
Đăng ký kết hôn ở nước ngoài có được pháp luật Việt Nam công nhận không?
Tôi là người Việt Nam hiện nay đang sinh sống ở Bỉ. Tôi có kết hôn với một người tại Bỉ. Nay chúng tôi dự định về Việt Nam sinh sống. Xin hỏi chúng tôi có phải làm thủ tục đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam không?
Trả lời:
Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định điều kiện kết hôn như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký hộ tịch như sau:
Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo đó, hôn nhân của hai bạn cần đảm bảo các điều kiện kết hôn như trên. Nếu xảy ra những vi phạm sẽ là kết hôn trái pháp luật. Điều này sẽ dẫn đến sự kiện pháp lý là chấm dứt chế độ hôn nhân.
Trong trường hợp của bạn, bạn cần chuẩn bị bản sao Quyết định về viêc kết hôn của hai bạn đến phòng tư pháp thuộc UBND quận/huyện nơi bạn cư trú để làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn ở nước ngoài của hai bạn.
Người khuyết tật không có chứng minh nhân dân thì có làm thủ tục đăng ký kết hôn được không?
Mình có thắc mắc vấn đề sau: Người khuyết tật không có chứng minh nhân dân thì có làm thủ tục đăng ký kết hôn được không? Mong sớm nhận được phản hồi!
Trả lời:
Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định thủ tục đăng ký kết hôn:
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
...
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Như vậy, theo quy định trên thì khi bạn đăng ký kết hôn sẽ phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế. Nếu không có thì buộc bạn phải làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân sau đó mới tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Khám sức khỏe trước hay sau khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài?
Em đang làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài. Hồ sơ để đăng kết hôn cần phải có giấy xác nhận sức khoẻ tâm thần của bệnh viện. Nhưng trong hồ sơ nộp cho bệnh viện để khám sức khoẻ tâm thần cần có Tờ khai đăng ký kết hôn. Vậy em phải đi khám sức khoẻ trước rồi mới nộp hồ sơ đăng ký kết hôn hay đăng ký kết hôn trước rồi mới khám sức khoẻ ạ?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 có quy định về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài như sau:
Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
=> Theo quy định này, khi đi đăng ký kết hôn với người nước ngoài bạn phải nộp giấy khám sức khỏe tâm thần và các giấy tờ khác theo quy định.
Tức là bạn phải đi khám sức khỏe tâm thần trước rồi mới nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi