Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi được quy định như thế nào?
Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ Điều 7 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương.
2. Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
3. Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
4. Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: Áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ.
Trình tự, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Theo Điều 8 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi:
a) Lập, lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án;
b) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về Đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt;
c) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;
e) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ, thực hiện một trong các thủ tục sau: ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
g) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
h) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
2. Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại:
a) Lập Văn kiện dự án, phi dự án;
b) Quyết định chủ trương thực hiện đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này;
c) Thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về việc phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ nước ngoài, thực hiện một trong các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại; ký văn bản trao đổi về dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
e) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
g) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
3. Đối với khoản hỗ trợ ngân sách:
a) Lập hồ sơ, tài liệu Khoản hỗ trợ ngân sách;
b) Quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách;
c) Ký kết điều ước quốc tế, ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho khoản hỗ trợ ngân sách;
d) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
đ) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
4. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn theo cơ chế hoà trộn: Cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Chương trình, dự án thực hiện thủ tục rút gọn:
a) Dự án đầu tư khẩn cấp sử dụng vốn ODA không hoàn lại thực hiện theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư công;
b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại điểm c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi