Phải ghi thông tin của người thân ở trong hợp đồng lao động?

Phải ghi thông tin của người thân trong hợp đồng lao động? Ông nội mất, người lao động được nghỉ 01 ngày có lương hay không hưởng lương? Trong mọi trường hợp người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động?

Phải ghi thông tin của người thân trong hợp đồng lao động?

Dạ, em năm nay 24 tuổi ở Hà Nội, em thấy rất vô lý khi vừa rồi em có đi ứng tuyển trong công ty xuất nhập khẩu hàng hóa và qua vòng phỏng vấn đến lúc ký hợp đồng lao động thì họ bắt khai thông tin người thân trong gia đình, bao gồm: Cha, mẹ và anh chị ruột. Theo luật thì có bắt buộc khai như vậy không? Vì em thấy đây là thông tin cá nhân của người trong nhà em.

Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, tại Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về nội dung này không đề cập đến vấn đề bắt buộc khai thông tin người thân trong trường hợp của bạn. Do đó, việc cung cấp thông tin người thân này không phải là yếu tố bắt buộc.

Ông nội mất, người lao động được nghỉ 01 ngày có lương hay không hưởng lương?

Dạ, vừa rồi ông nội em mất và công ty cho nghỉ 01 ngày để về lo đám tang. Nhưng em không biết trường hợp này thì nghỉ có lương hay không được hưởng lương?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1, khoản 2 Điều 115 Bộ luật lao động 2019 quy định nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Như vậy, khi ông nội của bạn mất thì bạn được nghỉ không hưởng lương 01 ngày theo quy định pháp luật về lao động nêu trên.

Trong mọi trường hợp người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động?

Liên quan đến quy định pháp luật về lao động có phải: Trong mọi trường hợp thì người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động không?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Bộ luật lao động 2019 quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:

Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.

Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.

Như vậy, không phải mọi trường hợp người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động mà khi áp dụng với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào