Phiên tòa hình sự phúc thẩm bị hoãn trong trường hợp nào? Quyết định hoãn phiên tòa hình sự gồm những nội dung gì?
Phiên tòa hình sự phúc thẩm bị hoãn trong trường hợp nào?
Trường hợp nào thì phiên tòa hình sự phúc thẩm bị hoãn? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Vinh. Học kỳ này, em đang học môn pháp luật đại cương. Trong đó, em gặp một vài vấn đề vướng mắc mong được anh chị giải đáp. Cho em hỏi, theo quy định hiện hành, trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, khi nào thì phiên tòa bị hoãn? Nội dung này được quy định tại văn bản nào? Rất mong nhận được hỗ trợ từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Trần Thu Hằng (0908****)
Trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, hoãn phiên toà hình sự là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà hình sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn. Việc hoãn phiên toà chỉ được thực hiện khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Các trường hợp hoãn phiên tòa hình sự phúc thẩm được quy định tại Khoản 1 Điều 352 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 297 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể:
Thời hạn hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Về nội dung, quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính:
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
- Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
- Vụ án được đưa ra xét xử;
- Lý do của việc hoãn phiên tòa;
- Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các trường hợp hoãn phiên tòa hình sự phúc thẩm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Quyết định hoãn phiên tòa hình sự gồm những nội dung nào?
Nội dung quyết định hoãn phiên tòa hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại Tòa soạn báo Tuổi trẻ. Hiện tại, tôi đang thu thập thông tin để phục vụ cho việc viết bài chuyên đề thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay. Trong đó, một số nội dung tôi chưa nắm rõ, mong Ban biên tập giúp đỡ. Tôi thấy trên thực tế, một số phiên tòa đang trong quá trình xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa. Cho tôi hỏi theo quy định pháp luật hiện hành, quyết định hoãn phiên tòa chứa những nội dung thông tin gì? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các bạn rất nhiều!
Đỗ Trần Quỳnh Anh (anh***@yahoo.com)
Trả lời:
Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định: hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự là việc chuyển thời điểm tiến hành phiên toà hình sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn khi có căn cứ do pháp luật quy định.
Các trường hợp hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định tại Khoản 3 Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể bao gồm:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
d) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, chúng tôi gửi đến bạn một số thông tin như sau:
Về căn cứ hoãn phiên tòa, pháp luật hiện hành quy định: Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
- Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
- Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Theo đó, sau khi ra quyết định, quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nội dung quyết định hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Tạm ngừng phiên tòa có giống với hoãn phiên tòa hay không?
Tạm ngừng phiên tòa có giống với hoãn phiên tòa hay không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa trong lĩnh vực y tế. Thời gian gần đây, khi theo dõi báo chí, tôi thấy nhiều bài viết đề cập đến hoạt động giải quyết các vụ án hình sự, trong đó tôi thấy có nhắc đến việc tạm ngừng phiên tòa. Một số bài viết lại nói về việc hoãn phiên tòa. Tôi thắc mắc không biết bản chất của hoạt động tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa có phải là một hay không? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn!
Lê Ngọc Trân (0908****)
Trả lời:
Để giải đáp thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định, vấn đề tạm ngừng phiên tòa được quy định tại Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Còn vấn đề hoãn phiên tòa được quy định tại Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó:
1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
d) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Như vậy, căn cứ quy định trên ta thấy, bản chất của hoạt động tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa không phải là một. Đây là hai hoạt động hoàn toàn độc lập, phát sinh dựa trên những căn cứ khác nhau trong quá trình xét xử vụ án hình sự. Cụ thể, một số điểm khác biệt chủ yếu được thể hiện như sau:
- Về căn cứ ra quyết định: Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp được liệt kê tại Khoản 1 Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn việc hoãn phiên tòa xuất phát từ một trong các căn cứ được nêu tại Khoản 1 điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Về thời hạn: Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Trong khi đó, thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Quy định này nhằm đảm bảo việc xét xử nhanh chóng, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa. Như vậy, khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa thì vụ việc xét xử được tiếp tục, nghĩa là nếu trước khi tạm ngừng phiên tòa vụ án đang được giải quyết ở giai đoạn nào thì khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết ở giai đoạn trước khi tạm ngừng. Điều nay hoàn toàn khác so với quy định hoãn phiên tòa vì khi đã hoãn phiên tòa thì khi phiên tòa được mở lại, vụ án được xét xử lại từ đầu. Quy định này là phù hợp, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, tránh lặp lại các thủ tục không cần thiết.
- Về hình thức: Việc hoãn phiên tòa phải được thực hiện bằng một quyết định bằng văn bản, trong quyết định phải thể hiện đầy đủ các nội dung như ngày tháng năm ra quyết định, họ tên thành phần những người tiến hành tố tụng, lý do của việc hoãn phiên tòa, thời gian địa điểm mở lại phiên tòa.
Còn tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Quy định này là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ việc ngừng phiên tòa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, sau khi hết thời hạn tạm ngừng vụ án tiếp tục được xét xử và việc xét xử này là sự tiếp nối quá trình tố tụng của phiên tòa đã mở trước khi tạm ngừng chứ không phải xét xử lại từ đầu.
- Về thời điểm và thẩm quyền ra quyết định:
Trên thực tế, chỉ khi phiên toà được mở thì Toà án mới xác định được chính xác có căn cứ hoãn hay không, do đó về nguyên tắc quyền hoãn phiên toà chỉ thuộc về Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Cũng giống như hoãn phiên tòa, về nguyên tắc phiên tòa chỉ tạm ngừng khi đã mở phiên tòa xét xử nếu có căn cứ theo quy định của BLTTHS. Do vậy, thẩm quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử. Quyết định tạm ngừng phiên tòa được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án không lập thành văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Trên đây là nội dung tư vấn về thắc mắc của bạn đối với bản chất của hai hoạt động tạm ngừng phiên tòa và hoãn phiên tòa. Bạn lưu ý để có cách hiểu chính xác về đặc trưng của mỗi hoạt động khi tiếp nhận thông tin. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn