Ly hôn có bắt buộc phải hòa giải ở UBND cấp xã hay không? Chồng đòi chia tiền cho thuê phòng trọ khi ly hôn có đúng luật không?
Ly hôn có bắt buộc phải hòa giải ở UBND cấp xã không?
Mình nghe nói khi ly hôn thì sẽ được UBND xã, phường hòa giải, vậy hòa giải tại UBND có phải là bước bắt buộc không?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Điều 54 Luật này cũng quy định rõ: Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, việc hòa giải cơ sở chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc, do đó khi ly hôn thì không bắt buộc phải hòa giải ở UBND cấp xã. Hai bên vợ chồng muốn ly hôn thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Vợ chồng không có quốc tịch ly hôn tại Việt Nam được không?
Em có nội dung thắc mắc như sau: Ly hôn giữa vợ và chồng đều là người không quốc tịch, cư trú và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Được giải quyết ở đâu? Vụ việc ly hôn này có yếu tố nước ngoài không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 quy định như sau:
Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.
=> Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp: vợ chồng muốn ly hôn này không có quốc tịch và có cư trú lâu dài tại Việt Nam thì chúng tôi xác định họ thuộc đối tượng: Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Căn cứ Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể như sau:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì vợ chồng không có quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì được giải quyết tại Việt Nam.
Vụ việc ly hôn trên có yếu tố nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Chồng đòi chia tiền cho thuê phòng trọ khi ly hôn có đúng luật không?
Tôi là giảng viên đại học kinh tế, trước khi lấy chồng tôi có mua lại một dãy nhà trọ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi lấy chồng thì tiền thu trọ hằng tháng tôi bỏ trong một sổ tiết kiệm riêng, chồng tôi cũng biết mặc dù không thỏa thuận nhưng từ trước đến giờ chồng tôi cũng không hỏi han đến số tiền này, tuy nhiên vì phát hiện tôi ngoại tình nên chồng tôi yêu cầu ly hôn và bắt tôi phải chia đôi số tiền thu trọ kể từ sau khi kết hôn đến nay cho anh ấy, tôi không đồng ý nhưng anh ấy là luật sư và nói sẽ kiện đòi, anh chị cho tôi hỏi yêu cầu của chồng tôi có phải là quá đáng và không đúng luật không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Bên cạnh đó Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng theo đó:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ, chồng.
Tuy nhiên, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Do đó, trong trường hợp của bạn: Dãy phòng trọ bạn đang cho thuê là tài sản riêng của bạn do bạn mua trước khi kết hôn nhưng lợi tức – khoản tiền bạn cho thuê trọ hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung của vợ chồng bạn. Như vậy, chồng bạn có quyền yêu cầu kê khai và phân chia khoản tiền thuê nhà đó khi ly hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi