Đối với pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không bị đi tù? Bán vé tàu Tết giả có thể phải đi tù?

Là pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không bị đi tù? Bán vé tàu Tết giả có thể phải đi tù? Đánh đập mẹ bị thương tích dưới 11% có phải đi tù không?

Là pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không bị đi tù?

Theo quy định pháp luật về hình sự Việt Nam đối với pháp nhân thương mại phạm tội có chịu hình phạt chính là hình phạt tù hay không?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Bộ luật hình sự 2015 quy định các hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

- Phạt tiền;

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Như vậy, hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định như trên và hình phạt tù sẽ không áp dụng cho đối tượng này.

Bán vé tàu Tết giả có thể phải đi tù

Thời điểm này mọi người đang mua vé tàu về quê ăn tết, lợi dụng việc này có nhiều người bán vé tàu giả. Xin hỏi việc cá nhân bán vé tàu hỏa giả thì bị xử lý như thế nào? Có đến mức phải đi tù không?

Trả lời: Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi làm vé Tết giả, khoản lợi bất chính thu được từ hành vi vi phạm mà cá nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

* Xử phạt vi phạm hành chính

Theo Khoản 3 Điều 72 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm về sử dụng vé tàu giả và bán vé tàu trái quy định như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Vận chuyển vé tàu giả;

- Bán vé tàu giả;

- Tàng trữ vé tàu giả.

Như vậy cá nhân bán vé tàu Tết giả có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tịch thu toàn bộ vé tàu giả và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do bán vé tàu giả.

* Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm, buôn bán tem giả, vé giả như sau:

- Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;

+ Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;

+ Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy việc bán vé tàu Tết giả cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm, buôn bán tem giả, vé giả nếu có đủ căn cứ cấu thành tội phạm theo quy định nêu trên.

Đánh đập mẹ bị thương tích dưới 11% có phải đi tù không?

Tôi có đứa em họ năm nay đã 25 tuổi rồi nhưng ăn chơi lêu lổng, vừa rồi nó đánh đập mẹ dẫn đến bà phải nhập viện thương tích 10% thì nó có phải đi tù không hay xử lý thế nào?

Trả lời: Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (sửa đổi Điều 134 Bộ luật hình sự 2015) có quy định như sau:

"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

...."

Theo quy định nêu trên, trường hợp cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác là ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, em họ của bạn đánh đập mẹ, tỷ lệ tổ thương cơ thể là 10% thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Mức phạt: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Pháp nhân thương mại phạm tội

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào