Người làm chứng vắng mặt thì phiên tòa dân sự có bị hoãn không? Thời hạn hoãn phiên tòa là bao lâu?
Người làm chứng vắng mặt thì phiên tòa dân sự có bị hoãn?
Căn cứ Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về sự có mặt của người làm chứng như sau:
1. Người làm chứng có nghĩa vụ tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.
2. Trường hợp người làm chứng vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa.
Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai trực tiếp với Tòa án hoặc gửi lời khai cho Tòa án. Chủ toạ phiên tòa công bố lời khai đó.
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa nếu việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên tòa gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án.
3. Người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Như vậy, nếu bạn vắng mặt mà sự vắng mặt của bạn gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án dân sự thì lúc này tòa án mới quyết định hoãn phiên tòa.
Thời hạn hoãn phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án dân sự là bao lâu?
Căn cứ Khoản 1 Điều 233 Bộ luật này có quy định như sau:
Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 84, Điều 227, khoản 2 Điều 229, khoản 2 Điều 230, khoản 2 Điều 231 và Điều 241 của Bộ luật này. Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Theo đó, thời hạn tạm hoãn phiên tòa sơ thẩm tối đa là 01 tháng hoặc 15 ngày đối với phiên tòa theo thủ tục rút gọn kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn