Phiên tòa xét xử lao động có buộc HTND phải công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động không?
Phiên tòa xét xử lao động có buộc HTND phải công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động không?
Căn cứ theo Điều 63 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.
Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì trong trường hợp xét xử đối với vụ án lao động Hội thẩm nhân dân bắt buộc phải có 01 người công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc có kiến thức về pháp luật lao động. Do đó, nếu Hội thẩm nhân dân không công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động thì chỉ cần có kiến thức về pháp luật lao động vẫn có thể tham gia phiên tòa.
Tổ chức đại diện tập thể lao động có thể đại diện NLĐ kiện người sử dụng lao động không?
Theo Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về người đại diện như sau:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
Theo đó, tổ chức đại diện tập thể lao động có thể đại diện NLĐ khởi kiện vụ án, tham gia tố tụng khi được ủy quyền.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi