Nội dung về nền tảng số, dữ liệu số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025
Nội dung về nền tảng số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Theo Tiểu mục 3 Mục IV Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về thể chế phát triển kinh tế số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Mỗi nền tảng số quốc gia có một cơ quan chủ quản là một bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc một doanh nghiệp để chủ trì điều phối, đặt hàng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp nòng cốt để thúc đẩy phát triển.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
a) Xây dựng và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển. Xây dựng và triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia. Đẩy mạnh phát triển các nền tảng có khả năng kết nối liên thông, liên kết, tạo sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả triển khai, tránh trùng lặp, rời rạc.
b) Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể để phát triển nền tảng số quốc gia, bao gồm kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, kế hoạch của cơ quan chủ quản và kế hoạch của đơn vị phát triển nền tảng, trong đó xác định cụ thể cơ chế phối hợp hành động giữa cơ quan chủ quản với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phối hợp và đơn vị phát triển. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia.
c) Xây dựng, ban hành tiêu chí nền tảng số quốc gia và tổ chức đánh giá, công nhận, công bố nền tảng số quốc gia đáp ứng yêu cầu. Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu và xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số để cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số quốc gia; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nền tảng số quốc gia để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết và sử dụng.
d) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia, xác định các nền tảng số quốc gia dùng chung trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Nội dung về dữ liệu số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Theo Tiểu mục 4 Mục IV Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về thể chế phát triển kinh tế số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
Dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị. Việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu.
Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia.
b) Rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật.
c) Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu.
d) Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công nghiệp và thương mại, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng.
đ) Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu quốc gia và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp bộ, ngành, địa phương, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu trong ngành, lĩnh vực, địa phương vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi