Mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?
Mục tiêu phát triển kinh tế số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục III Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về mục tiêu phát triển kinh tế số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu.
Phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.
a) Mục tiêu cơ bản đến năm 2025
- Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%;
- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%;
- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%;
- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
b) Mục tiêu cơ bản đến năm 2030
- Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;
- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%;
- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%;
- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%;
- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Mục tiêu phát triển xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Tại Tiểu mục 2 Mục III Điều 1 Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 quy định về mục tiêu phát triển xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: Công dân số, kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Kết nối số được đặc trưng bởi khả năng kết nối mạng của người dân, bao gồm tỷ lệ dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và tỷ lệ người dùng Internet. Văn hóa số được đặc trưng bởi mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân.
Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.
a) Mục tiêu cơ bản đến năm 2025
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%;
- Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%;
- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%;
- Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%;
- Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%;
- Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%;
- Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%;
- Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.
b) Mục tiêu cơ bản đến năm 2030
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%;
- Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%;
- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%;
- Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 100%;
- Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%.
- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%;
- Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%;
- Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%;
- Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi