Khoản nợ trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng được phép khoanh nợ tối đa bao nhiêu năm?
Khoản nợ trả cho Quỹ bảo lãnh tín dụng được khoanh nợ tối đa bao nhiêu năm?
Căn cứ Điều 12 Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về khoanh nợ như sau:
1. Đối tượng xem xét: Khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 7 Thông tư này.
2. Điều kiện xem xét: Khách hàng được xem xét khoanh nợ khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của hai (02) năm liền kề trước năm đề nghị khoanh nợ bị lỗ và còn lỗ lũy kế, không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
c) Có phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ khả thi sau khi được khoanh nợ;
d) Khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ hoặc chưa được cơ cấu nợ nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá:
- Nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ thì khách hàng cũng không trả được nợ (gốc, lãi) cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
- Tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng rất khó khăn, cần thiết phải thực hiện biện pháp khoanh nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và sau khi khoanh nợ khách hàng có khả năng trả nợ gốc, nợ lãi đầy đủ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Thời gian khoanh nợ: Một khoản nợ có thể được khoanh nợ nhiều lần nhưng phải đảm bảo tổng thời gian khoanh nợ tối đa không quá ba (03) năm và không quá 1/3 thời hạn nhận nợ bắt buộc.
4. Căn cứ điều kiện xem xét khoanh nợ quy định tại khoản 2 Điều này và tình hình tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, quyết định biện pháp khoanh nợ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, thời hạn khoanh nợ tối đa là không quá 3 năm và không quá 1/3 thời hạn nhận nợ bắt buộc theo quy định. Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 2 Điều trên để được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét khoanh nợ.
Quỹ bảo lãnh tín dụng xử lý tài sản đảm bảo mà dư thì được trả lại không?
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về xử lý tài sản đảm bảo như sau:
1. Đối tượng xem xét: Khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư này hoặc theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có).
2. Điều kiện xem xét: Quỹ bảo lãnh tín dụng được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi:
a) Đối tượng xem xét được quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi hoặc chưa được cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định, đánh giá nếu áp dụng biện pháp cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ lãi thì khách hàng cũng không trả được nợ gốc cho Quỹ bảo lãnh tín dụng theo đúng cam kết.
3. Xử lý phần chênh lệch giữa số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm và giá trị sổ sách của khoản nợ (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật):
a) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện xử lý đối với số dư theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với khách hàng tại Hợp đồng nhận nợ bắt buộc và bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm khoản nhận nợ bắt buộc đã ký (nếu có);
b) Trường hợp số tiền thu về từ xử lý tài sản bảo đảm thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, thu hồi đối với phần nợ còn lại (gốc, lãi) theo chế độ quy định hoặc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định tại Thông tư này.
4. Trong trường hợp tài sản bảo đảm chung cho khoản vay và khoản được bảo lãnh, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên nhận bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, sau khi sử lý tài sản nợ thu về số tiền cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ thì Quỹ bảo lãnh thực hiện xử lý đối với số dư theo thỏa thuận giữa Quỹ và khách hàng tại hợp đồng nhận nợ bắt buộc. Vậy số tiền dư ra có thể được trả lại tùy theo hợp đồng đã ký trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh