Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuẩn bị giấy tờ gì để đề nghị bảo lãnh tín dụng?
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuẩn bị giấy tờ gì để đề nghị bảo lãnh tín dụng?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng như sau:
1. Giấy đề nghị bảo lãnh tín dụng của bên được bảo lãnh.
2. Các văn bản, tài liệu chứng minh bên được bảo lãnh có đủ các điều kiện được bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này và các tài liệu khác có liên quan theo quy định của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đề nghị bảo lãnh trực tiếp tại Quỹ bảo lãnh tín dụng trên cùng địa bàn (nơi doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký kinh doanh và có trụ sở trên địa bàn) hoặc qua bưu điện.
4. Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng trình Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng ban hành quy định cụ thể về thành phần hồ sơ khách hàng đề nghị bảo lãnh tín dụng quy định tại Điều này.
Như vậy, hồ sơ đề nghị bảo lãnh tín dụng bao gồm các giấy tờ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều trên. Ngoài ra, đối với từng Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ ban hành quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị bão lãnh tín dụng.
Doanh nghiệp phải chờ bao lâu để biết kết quả đề nghị cấp bảo lãnh tín dụng?
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thẩm định hồ sơ và quyết định cấp bảo lãnh tín dụng như sau:
1. Bên bảo lãnh có trách nhiệm thẩm định tính đầy đủ của các hồ sơ, tài liệu do bên được bảo lãnh gửi đến; thực hiện thẩm định tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và các điều kiện bảo lãnh khác theo quy định tại Nghị định này.
2. Bên bảo lãnh có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy trình thẩm định tính hiệu quả, khả năng hoàn trả vốn vay của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của bên được bảo lãnh theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh tín dụng.
3. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng hợp lệ, bên bảo lãnh phải hoàn thành xem xét việc bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh. Quyết định bảo lãnh tín dụng cho bên được bảo lãnh được thực hiện bằng văn bản dưới hình thức hợp đồng bảo lãnh tín dụng giữa bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Trường hợp từ chối không cấp bảo lãnh tín dụng, bên bảo lãnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận cho bên được bảo lãnh.
Theo đó, chậm nhất là 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ xin bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh tín dụng phải hoàn thành xem xét và thông báo kết quả đề nghị bảo lãnh tín dụng cho bên đề nghị bảo lãnh.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh