Nam 19 tuổi có được tổ chức kết hôn không? Muốn kết hôn nhưng gia đình phản đối thì phải làm sao?

Nam 19 tuổi có được tổ chức kết hôn không? Muốn kết hôn nhưng gia đình phản đối thì phải làm như thế nào? Đã được xóa án tích có được kết hôn với người làm việc trong ngành công an?

Nam 19 tuổi có được tổ chức kết hôn không? 

Năm nay em trai tôi 19 tuổi, sắp tới gia đình tôi định tổ chức hôn lễ cho nó thì có được pháp luật cho phép không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

"Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này."

Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Về mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn được quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, gia đình bạn và thông gia của bạn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Muốn kết hôn nhưng gia đình phản đối thì phải làm như thế nào?

Tôi và bạn gái tôi quen nhau được hơn 5 năm, chúng tôi cũng tiến tới hôn nhân tuy nhiên gia đình tôi có phản đối về khi xem bói thầy bói nói không hợp. Tôi đã nhiều lần thuyết phục gia đình nhưng vẫn không thay đổi. Tôi muốn hỏi hiện tại tôi cần làm gì để kết hôn hợp pháp với bạn gái tôi. 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì điều kiện kết hôn được quy định như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Theo các quy định trên nếu bạn và bạn gái của bạn đủ các điều kiện trên và không thuộc các hành vi bị cấm thì có thể làm thủ tục để đăng ký kết hôn. Việc phản đối của gia đình bạn không làm ảnh hưởng đến việc đăng ký kết hôn của hai bạn.

Theo Điều 18 Luật hộ tịch 2014 và Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch quy định thành phần hồ sơ bao gồm:

- Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác;

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.

- Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

- Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.

- Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu) hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu)
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 38 Luật hộ tịch 2014 như sau:

Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Đã được xóa án tích có được kết hôn với người làm việc trong ngành công an?

Cho em hỏi hiện em có bạn trai làm công an. Em có một tiền án hưởng treo 6 tháng và em đã được xoá án tích cách đây 3 năm. Thì theo luật em có được kết hôn với bạn trai không ạ?

Trả lời:

Việc nam nữ kết hôn phải tuân thủ các quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Căn cứ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân quy định về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân như sau:

Phải đáp ứng ba tiêu chuẩn sau đây:

- Về Dân tộc thì dân tộc Kinh là đạt tiêu chuẩn.

- Về tôn giáo: Những người trong ngành an ninh, cảnh sát thì không được lấy người theo đạo Thiên Chúa Giáo.

- Về kê khai lý lịch và thành phần gia đình nội ngoại 3 đời. Nếu trong gia đình bạn có một hoặc nhiều đảng viên thì thẩm tra 2 đời (Tùy thuộc vào người đi thẩm tra).

Các điều kiện cơ bản không lấy chồng (vợ) công an:

1. Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Nguy quân, Ngụy quyền

2. Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù.

3. Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành...

4. Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa.

5. Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch tại Việt Nam)

Ngoài ra căn cứ theo Khoản 1 Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

Tiền án được hiểu là một người phạm tội, bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật, họ đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án đó, nhưng chưa qua được thời gian theo luật định, để được coi là chưa được xoá án tích. Người bị kết án, đã được xoá án tích thì được coi là chưa có tiền án.

Do đó trường hợp của bạn đã được xóa án tích thì được coi như chưa có tiền án. Chính vì lẽ đó mà bạn không được xem là có án tích.

Vì vậy bạn có thể tiến hành kết hôn với bạn của bạn, tuy nhiên việc kết hôn được hay không còn phụ thuộc vào quy chế riêng của ngành Công an cũng như tùy thuộc vào kết quả thẩm tra lý lịch từ phía cơ quan của bạn trai bạn.

Trên đây là nội dung Ban biên tập gửi đến bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kết hôn

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào