Có được ủy quyền lại không? Có được ủy quyền cho người khác mang sổ đỏ đi thế chấp không?
Có được ủy quyền lại không?
Tôi nhận được ủy quyền của bạn tôi để bán chiếc xe đạp điện. Tôi đã tìm được người mua chiếc xe đạp điện đó, người đó yêu cầu ngày 24/08/2019 đến xem xe và ký hợp đồng, nhưng vào ngày đó tôi có việc không thể tham gia ký hợp đồng bán chiếc xe đó. Vậy tôi có được ủy quyền lại cho vợ tôi thực hiện việc bán chiếc xe đó không?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 564 Bộ luật dân sự 2015, thì bên ủy quyền được quyền ủy quyền lại cho người khác khi có đủ các điều kiện sau:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền;
- Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.
Và phạm vi ủy quyền không vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu, hình thức ủy quyền lại phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Như vậy, bạn có thể ủy quyền lại cho vợ bạn bán chiếc xe đạp điện đó nếu có sự đồng ý của người bạn kia.
Có được ủy quyền cho người khác mang sổ đỏ đi thế chấp?
Ba em muốn vay ngân hàng một số tiền lớn nhưng không có gì để thế chấp. Bác họ em muốn cho ba em nhờ sổ đỏ của bác mang đi thế chấp với bên ngân hàng để được vay tiền. Vậy bác em viết giấy ủy quyền cho ba em sử dụng sổ đỏ của bác để ba em thế chấp vay tiền ngân hàng được không ạ? Đất này không có nhà ạ.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Theo quy định này, bản chất của hoạt động thế chấp được hiểu là một người chỉ được sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để tham gia vào giao dịch thế chấp chẳng hạn bố bạn được dùng sổ đỏ của bố bạn hoặc sổ đỏ của hộ gia đình bạn nếu được sự động ý của các thành viên còn lại trong gia đình.
Còn trường hợp bác của bạn muốn ủy quyền cho bố bạn sử dụng sổ đỏ của bác để thế chấp ngân hàng không phù hợp với quy định trên về thế chấp bởi tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do vậy, giao dịch này không được phép thực hiện.
Bạn thông tin lại vấn đề này cho bố bạn để thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Giấy ủy quyền sử dụng đất cho con có được coi là di chúc không?
Gia đình em có 5 anh chị em, 2 trai và 3 gái. Tháng 2/2017, bố em có viết giấy ủy quyền sử dụng đất cho cậu út. Giấy này chỉ thiếu chữ ký của chị cả vì chị ở xa không về được, còn lại đầy đủ chữ ký của bố mẹ và các chị em. Đến tháng 12/2018 vừa đây thì bố em mất và không để lại di chúc. Xin hỏi giấy ủy quyền đó còn có giá trị và hợp lệ không ạ? Và nó có được coi là giấy di chúc không ạ? Xin cảm ơn ạ!
Trả lời:
Căn cứ theo Điểm đ Khoản 3 Điều 140 Bộ luật dân sự năm 2015, đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp:
- Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
Như vậy, khi bố bạn mất thì giấy ủy quyền đó không còn hiệu lực. Em trai bạn sẽ phải chấm dứt việc sử dụng đất theo như giấy ủy quyền đã ký.
Về vấn đề có thể coi giấy ủy quyền này là di chúc được không, chúng tôi xin giải đáp như sau:
Theo Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015:
- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Di chúc hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Trường hợp của bạn, bố bạn chỉ lập giấy ủy quyền sử dụng đất cho em bạn, không có nội dung cụ thể là chuyển giao quyền sử dụng đất cho em bạn sau khi bố mất. Hơn nữa, giấy này đã không còn hiệu lực, công việc ủy quyền đã bị chấm dứt. Do đó, không thể coi giấy ủy quyền sử dụng đất là di chúc.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn