Di chúc đã công chứng rồi có được sửa lại được hay không? Lập di chúc có cần sự đồng ý của cha, mẹ hay không?
Di chúc đã công chứng rồi có được sửa lại được hay không?
Di chúc đã được công chứng, chứng thực có sửa được hay không? Mong sớm được giải đáp.
Trả lời:
Căn cứ Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Như vậy, theo quy định như trên người lập di chúc có thể sửa đổi di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Do đó bạn cũng có quyền sửa đổi di chúc của mình không phụ thuộc vào việc đã công chứng hay chưa.
Tuy nhiên là khi sữa đổi di chúc, để đảm bảo di chúc của bạn có giá trị, bạn nên đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật này theo đó:
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Khi sửa lại bản di chúc bạn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên để đảm bảo di chúc của bạn hoàn toàn hợp pháp, tránh các rủi ro pháp lý không đáng có.
Lập di chúc có cần sự đồng ý của cha, mẹ không?
Em muốn hỏi: Hiện tại em 24 tuổi, có tài sản là một căn nhà nhỏ là tài sản riêng em tích góp được, từ trước tới giờ em ở với ba, mẹ. Vậy, em muốn biết, trường hợp em để lại di chúc là tài sản này cho người khác thì có cần cha, mẹ đồng ý mới được xác lập quyền này không?
Trả lời:
Căn cứ các Điều 624, 625 và Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Đối với người lập di chúc thì: Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Đồng thời, quy định quyền của người lập di chúc như sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, có thể thấy di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Đồng thời, có thể khẳng định, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác. Do đó, nếu bạn đủ điều kiện để lại thừa kế thì không phải có sự đồng ý của cha, mẹ bạn trong trường hợp này.
Di chúc miệng chỉ có thời hạn trong 03 tháng?
Trong lúc hấp hối đối diện cái chết bất ngờ thì người để lại di chúc bằng miệng hợp pháp. Nhưng sau đó đã khỏe lại thì trường hợp này di chúc miệng có thời hạn trong 03 tháng đúng không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 2 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng được lập mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Đồng nghĩa với việc di chúc miệng chỉ có thời hạn (giá trị) trong vòng 03 tháng kể từ lúc lập.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn