Người bị khám xét có được biết những nội dung trong lệnh khám xét? Ai có quyền ra lệnh khám xét người?
Người bị khám xét có được biết những nội dung trong lệnh khám xét hay không?
Tại Khoản 1 Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về việc khám xét người như sau:
1. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành thì khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó. Như vậy, cháu của bạn sẽ được biết những nội dung trong lệnh khám xét.
Ai có quyền ra lệnh khám xét người?
Tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét như sau:
1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Như vậy, những người được quy định tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quyền ra lệnh khám xét người.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân