Cần nộp hồ sơ gì khi thực hiện đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai?
Cần nộp hồ sơ gì khi đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai?
Căn cứ Điều 14 Thông tư 07/2019/TT-BTP quy định về đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai như sau:
1. Trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai mà bên thế chấp không đồng thời là người sử dụng đất thì người yêu cầu đăng ký nộp các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5 và 6 Điều 39 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.
2. Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai chưa áp dụng Sổ địa chính điện tử thì sử dụng Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai để thực hiện việc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, trừ trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Tại Khoản 1, 2, 4, 5 và 6 Điều 39 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất hoặc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hoặc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất sau đây:
1. Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);
2. Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
...
4. Đối với trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai không phải là nhà ở, thì ngoài các giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người yêu cầu đăng ký phải nộp các giấy tờ sau đây:
a) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng công trình của dự án trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án xây dựng công trình (01 bản sao không có chứng thực);
b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng của tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình xây dựng khác (01 bản sao không có chứng thực);
5. Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
6. Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau đây:
a) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
b) Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
Như vậy, để đăng ký thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, người nộp cần phải chuẩn bị hồ sơ được quy định như trên.
Có thể chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ hay không?
Căn cứ Điều 18 Thông tư 07/2019/TT-BTP quy định về chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở như sau:
1. Các bên tham gia hợp đồng thế chấp có thể yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở không phải là nhà ở riêng lẻ trong trường hợp sau đây:
a) Đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở có yêu cầu chuyển sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;
b) Đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở có yêu cầu chuyển sang đăng ký thế chấp nhà ở do nhà ở hình thành trong tương lai đã được hình thành (đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng).
2. Trường hợp đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật nhà ở thì khi bên thế chấp được cấp Giấy chứng nhận và các bên tiếp tục thỏa thuận thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở này để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể yêu cầu đăng ký một trong các trường hợp sau đây:
a) Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản) và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai;
b) Chuyển tiếp đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
3. Trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không yêu cầu các bên tham gia hợp đồng thế chấp xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trước khi thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực hợp đồng thế chấp nhà ở.
4. Trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở mà có yêu cầu chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất do tài sản đã hình thành, nghiệm thu và được chứng nhận quyền sở hữu thì việc chuyển tiếp đăng ký được thực hiện như việc chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định tại Điều 46, Điều 49 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và Điều này.
Theo đó, các bên có thể chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở riêng lẻ và đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh