Nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam là gì?
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?
Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Quyết định 456/QĐ-BHXH năm 2022 quy định về nội dung đào tạo, bồi dưỡng như sau:
- Đào tạo sau đại học các chuyên ngành phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm của công chức, viên chức.
- Bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh công chức lãnh đạo, viên chức quản lý.
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh, kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế; bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin, kỹ năng chuyển đổi số; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc cho công chức, viên chức công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nhiệm vụ và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?
Căn cứ Khoản 5 Điều 1 Quyết định 456/QĐ-BHXH năm 2022 quy định về nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị và công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng
a) Đề cao trách nhiệm học tập thường xuyên, không ngừng nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức.
b) Khuyến khích tự học và cử đi học sau đại học các chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp tiến trình hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hội nhập quốc tế.
c) Khuyến khích công chức, viên chức đề xuất, lựa chọn những chương trình bồi dưỡng cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc, vị trí việc làm đang đảm nhận (Phụ lục I kèm theo).
2. Hoàn thiện các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng bộ, khoa học
a) Hoàn thiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị quản lý, sử dụng công chức, viên chức trong việc xác định nhu cầu và cử công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm hiệu quả, gắn với yêu cầu công việc. Bổ sung trong Quy chế quy định trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
b) Hoàn thiện Quy định về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước đối với các chức danh công chức lãnh đạo, viên chức quản lý thuộc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
3. Nâng cao năng lực tổ chức bồi dưỡng của Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội
a) Rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
b) Thường xuyên nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho đội ngũ viên chức làm giảng viên thuộc Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội.
c) Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng uy tín, chất lượng, bảo đảm giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm từ 50% trở lên thời lượng của các chương trình bồi dưỡng mà Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội thực hiện.
d) Rà soát, cập nhật bổ sung, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
đ) Khai thác có hiệu quả hệ thống bồi dưỡng E-learning, xây dựng hệ thống dữ liệu video bài giảng, cập nhật, bổ sung các video bài giảng phù hợp với quy định hiện hành.
e) Tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập của Trường Đào tạo nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng.
4. Nâng cao năng lực quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng
a) Cử công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
b) Thực hiện đánh giá chất lượng bồi dưỡng theo quy định.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế
a) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo có năng lực, uy tín ở nước ngoài để triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo yêu cầu vị trí việc làm, các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh cho công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
b) Nghiên cứu, tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên ngành An sinh xã hội cho công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
c) Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức: Học ngoài nước; học trực tuyến với giảng viên nước ngoài; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
6. Chính sách tài chính
a) Kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được bố trí từ nguồn chi quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng từ tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài.
b) Phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự chủ động, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh