Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam là gì?
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?
Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Quyết định 456/QĐ-BHXH năm 2022 quy định về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng như sau:
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ và hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Hoàn thiện các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
b) Tổ chức bộ máy cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam gọn nhẹ, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
c) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
- Đối với công chức:
+ Đạt yêu cầu tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh.
+ Hàng năm, tối thiểu 80% công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
+ Đến năm 2025, tối thiểu 80% Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc.
+ Đến hết năm 2025, 50% Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương, 25% Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tập trung vào công chức lãnh đạo dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định, có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, hoạt động hội nhập quốc tế.
- Đối với viên chức:
+ Đến năm 2025, 100% viên chức được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
+ Hàng năm, tối thiểu 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm.
+ Đến năm 2025, tối thiểu 80% viên chức tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc; tối thiểu 80% viên chức tại BHXH cấp huyện tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.
+ Đến hết năm 2025, 60% viên chức và 50% viên chức quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; tối thiểu 30% viên chức làm công tác hội nhập quốc tế sử dụng tiếng Anh trong hội nghị, hội thảo quốc tế, làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài không thông qua phiên dịch.
Yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm việc trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Quyết định 456/QĐ-BHXH năm 2022 quy định về yêu cầu như sau:
- Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại hóa ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Hoàn thiện các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện cho người đứng đầu các đơn vị quản lý, sử dụng công chức, viên chức và bản thân công chức, viên chức tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
- Nâng cao năng lực tổ chức bồi dưỡng của Trường Đào tạo nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến vào hoạt động bồi dưỡng của Trường.
- Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức, viên chức, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh