Cơ quan nào thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất cho người yêu cầu đăng ký thế chấp?
Cơ quan nào thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất cho người yêu cầu đăng ký?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 07/2019/TT-BTP quy định về nguyên tắc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:
1. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này cho người yêu cầu đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP và chỉ thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp bên thế chấp là người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Các bên tham gia hợp đồng thế chấp phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm, nghĩa vụ được bảo đảm, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật dân sự; thỏa thuận về tài sản bảo đảm khác không phải là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nội dung khác mà các bên được thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở thì không được đồng thời đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đó; nếu đã đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì không được đồng thời đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở.
3. Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai thì trước khi bán nhà ở trong dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký để rút bớt tài sản thế chấp, trừ trường hợp chủ đầu tư, bên mua và bên nhận thế chấp có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ đầu tư thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong các dự án nêu trên theo quy định của pháp luật thì trước khi bán công trình xây dựng trong dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký để rút bớt tài sản thế chấp.
4. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai theo nguyên tắc ghi nhận nội dung đăng ký trên cơ sở thông tin được kê khai trong Phiếu yêu cầu. Người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của thông tin được kê khai và của tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đăng ký.
Như vậy, đối với việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền thì văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp bên thế chấp là người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Chữ ký, con dấu trong Phiếu yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 07/2019/TT-BTP quy định về chữ ký, con dấu trong Phiếu yêu cầu như sau:
1. Phiếu yêu cầu phải có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp và bên nhận thế chấp phù hợp với thông tin trong hợp đồng thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp trong trường hợp bên thế chấp, bên nhận thế chấp có người đại diện, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
2. Trường hợp hợp đồng thế chấp, hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp đã được công chứng hoặc chứng thực thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên thế chấp, bên nhận thế chấp.
3. Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, bao gồm việc thay đổi do tổ chức lại pháp nhân, mua bán nợ hoặc do chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ dân sự khác theo quy định của pháp luật thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên nhận thế chấp mới hoặc của người đại diện hợp pháp của bên nhận thế chấp mới.
Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp do sửa chữa sai sót thông tin về bên nhận thế chấp; rút bớt tài sản thế chấp; yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp; yêu cầu xóa đăng ký thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên nhận thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên nhận thế chấp.
4. Trường hợp yêu cầu xóa đăng ký và có biên bản thanh lý hợp đồng thế chấp hoặc văn bản đồng ý xóa đăng ký của bên nhận thế chấp hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận thế chấp thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên thế chấp.
5. Trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản là người yêu cầu đăng ký thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của quản tài viên, của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
6. Trường hợp xóa đăng ký theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP mà người yêu cầu xóa đăng ký là Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý tài sản thế chấp hoặc của cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân này hoặc của người đại diện hợp pháp của cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án.
7. Trường hợp chi nhánh của pháp nhân được pháp nhân giao nhiệm vụ thực hiện chức năng của pháp nhân về đăng ký biện pháp bảo đảm theo điều lệ hoặc theo ủy quyền của người có thẩm quyền của pháp nhân phù hợp với quy định của pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điều này thì chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của chi nhánh thay thế cho chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của pháp nhân.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh