Nhiều người trong nhà mua BHYT thì mức giá BHYT sẽ càng ít?
Nhiều người trong nhà mua BHYT thì mức giá BHYT càng ít?
Cho hỏi. Có phải trường hợp nếu trong một gia đình có nhiều người mua BHYT thì mức giá càng ít phải không?
Trả lời: Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế có quy định:
Mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì mức đóng BHYT của hộ gia đình sẽ dựa trên mức lương cơ sở. Nếu càng nhiều người trong một gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức đóng BHYT sẽ càng giảm.
Bạn có thể tham khảo thêm: Từ năm 2020, mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là bao nhiêu?
Ai có trách nhiệm cấp thẻ BHYT cho người có công với cách mạng?
Đơn vị nào trách nhiệm cấp thẻ BHYT cho người có công với cách mạng? Mong sớm nhận được thắc mắc nêu trên.
Trả lời: Tại Khoản 11 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng gồm có:
Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
Khoản 5 Điều 11 Nghị định này quy định việc lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế của một số đối tượng như sau:
Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng quy định tại Điều 2; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16 và 17 Điều 3; khoản 1, 2 và 4 Điều 4 và Điều 5 Nghị định này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách thân nhân của người có công cách mạng thuộc sự quản lý của xã mình để gửi cơ quan BHXH cấp huyện để cấp thẻ BHYT.
Sinh viên nghỉ học thì có được sử dụng thẻ BHYT nữa không?
Cho em hỏi: Em đã nghỉ học tại trường đại học và cũng được biết là các bạn sắp đóng BHYT. Lúc em còn đi học em có tham gia và đóng BHYT thì bây giờ em có được tham gia tiếp tục không ạ? Nếu có thì em phải đóng BHYT tại đâu? Vì trên thẻ đã hết hạn và hiện em đang ở nhà chưa đi làm gì hết ạ. Xin cảm ơn.
Trả lời: Theo Điểm b Khoản 7 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng, trong đó:
Thẻ bảo hiểm y tế được cấp hằng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó:
- Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng;
- Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Như vậy, thẻ BHYT đối với sinh viên sẽ được cấp hằng năm, trường hợp bạn đã nghỉ học và thẻ BHYT đã hết hiệu lực thì không sử dụng được nữa. Bạn muốn tham gia BHYT thì có thể tham gia theo hình thức hộ gia đình. Căn cứ Điều 5 Nghị định 146 này quy định nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình như sau:
- Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.
- Người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3 , 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:
+ Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
+ Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
Mức đóng hằng tháng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết sau: Thủ tục đăng ký thẻ BHYT tự nguyện
Trân trọng!
Lê Bảo Y