Được cấp thẻ BHYT miễn phí đối với học sinh hộ cận nghèo?
Có được cấp thẻ BHYT miễn phí đối với học sinh hộ cận nghèo?
Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, em đang học lớp 10. Vậy em có được cấp thẻ BHYT miễn phí không ạ? Nhờ admin hỗ trợ giúp em. Em cảm ơn.
Trả lời: Theo Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm:
1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.
3. Học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 8 Nghị định này có quy định về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và 2 Điều 4 Nghị định này;
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại khoản 3 và 4 Điều 4 Nghị định này.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì mức hỗ trợ đối với học sinh hộ cận nghèo có thể từ 70% - 100%.
Nếu bạn thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo thì có thể được nhà nước cấp thẻ BHYT hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, trường hợp hộ cận nghèo đa chiều là tối thiểu 70%. Bạn căn cứ quy định để đối chiếu với trường hợp của mình.
Trẻ dưới 6 tuổi mất thẻ BHYT có được xuất trình giấy khai sinh để khám chữa bệnh BHYT?
Trường hợp trẻ dưới 6 tuổi bị mất thẻ BHYT có được xuất trình giấy khai sinh để khám chữa bệnh hưởng BHYT được không? Mong sớm nhận hồi đáp.
Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:
Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì có thể sử dụng giấy khai sinh để khám bệnh hưởng chế độ BHYT. Nhưng nếu trường hợp đã được cấp thẻ BHYT rồi thì không được xuất trình giấy khai sinh để thay thể được.
Bạn có thể tham khảo: Thủ tục cấp lại thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi?
Con của thương binh có được cấp thẻ BHYT miễn phí?
Bố em là thương binh, năm nay vào đại học là sinh viên năm nhất thì có được cấp thẻ BHYT miễn phí không ạ? Em cảm ơn.
Trả lời: Theo Khoản 12 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bao gồm:
Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại khoản 11 Điều này, gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Và quy định tại Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 thì thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
Như vậy, con đẻ/con nuôi của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì sẽ được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Lưu ý: Con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
Do đó, nếu bạn sinh viên năm nhất thì có được được cấp thẻ BHYT tuy nhiên bố bạn phải là thương bị có suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bạn có thể đối chiếu quy định trên với trường hợp cụ thể của mình.
Trân trọng!
Lê Bảo Y