Có cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với việc bán bánh, mứt nhà làm dịp tết hay không?
Có cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với việc bán bánh, mứt nhà làm dịp tết không?
Mẹ em định làm bánh, mứt để bán vào dịp nhằm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên mẹ em lại băn khoăn không biết rằng khi bán bánh, mứt nhà làm thì có phải xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không? Thủ tục xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có phức tạp không? Do đó em muốn nhờ Ban tư vấn hãy giải đáp giúp em vấn đề trên trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
==> Mẹ bạn chỉ định bán bánh, mứt nhà làm vào dịp tết. Đây là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Do đó đối với trường hợp này thì mẹ bạn không cần phải xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên khi sản xuất bánh, mứt thì phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì:
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau đây:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm mới nhất
Xin chào Ban biên tập. Tôi có một vấn đề liên quan tới lĩnh vực an toàn – vệ sinh thực phẩm mong được ban biên tập tư vấn. Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm mới nhất được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập!
Trả lời: Chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 4 Luật an toàn thực phẩm 2010 như sau:
1. Xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm. (Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
2. Sử dụng nguồn lực nhà nước và các nguồn lực khác đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ việc phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; xây dựng mới, nâng cấp một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp.
3. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; sản xuất thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn; bổ sung vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm; xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
4. Thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ký kết điều ước, thoả thuận quốc tế về công nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm.
6. Khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
7. Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
8. Tăng đầu tư, đa dạng các hình thức, phương thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn, ý thức trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.
Trên đây là nội dung quy định về chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm mới nhất. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật an toàn thực phẩm 2010.
Bộ Y tế có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm?
Em là sinh viên khoa công nghệ thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Trong quá trình học tập có vấn đề em thắc mắc mong anh chị có thể giải đáp giúp em. Cụ thể là Bộ Y tế có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm? Em có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Mong anh chị hướng dẫn
Trả lời: Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế được quy định tại Điều 62 Luật an toàn thực phẩm 2010 như sau:
1. Trách nhiệm chung:
a) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm; (Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
c) Yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm;
d) Quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
đ) Chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm;
e) Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết.
2. Trách nhiệm trong quản lý ngành:
a) Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; (Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
b) Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ;
c) Quản lý an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý;
d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật an toàn thực phẩm 2010.
Trân trọng!
Lê Bảo Y