Trình tự lập dự thảo báo cáo kiểm toán được quy định như thế nào?
Trình tự lập dự thảo báo cáo kiểm toán như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Quy định về trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán ban hành kèm theo Quyết định 01/2022/QĐ-KTNN (có hiệu lực từ 02/05/2022) trình tự lập dự thảo báo cáo kiểm toán như sau:
1. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Trưởng Đoàn kiểm toán tổ chức lập dự thảo Báo cáo kiểm toán theo trình tự các bước như sau:
a) Tập hợp các bằng chứng kiểm toán và kết quả kiểm toán.
b) Kiểm tra, phân loại, tổng hợp kết quả kiểm toán.
c) Lập dự thảo Báo cáo kiểm toán.
d) Thảo luận, lấy ý kiến thành viên đoàn kiểm toán đối với dự thảo Báo cáo kiểm toán.
Nội dung chi tiết của từng bước công việc trên thực hiện theo quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực phù hợp với cuộc kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.
2. Trưởng Đoàn kiểm toán hoàn thành dự thảo Báo cáo kiểm toán trình thủ trưởng đơn vị tổ chức xét duyệt theo quy định, đồng thời báo cáo tóm tắt những kết quả quan trọng cho Tổng Kiểm toán nhà nước biết để chỉ đạo (trước khi tổ chức xét duyệt ít nhất 07 ngày làm việc).
Thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán của Vụ tham mưu
Căn cứ Điều 12 Quy định này việc thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán của Vụ tham mưu được quy định như sau:
Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (gọi chung là Vụ tham mưu) có trách nhiệm:
1. Vụ Tổng hợp
a) Tổ chức thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán theo các nội dung sau: Kết quả thực hiện mục tiêu, trọng yếu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán, đơn vị được kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán tổng quát; việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán (nếu có); việc tuân thủ các quy định chung về Báo cáo kiểm toán; tính logic, đúng đắn, phù hợp giữa kết quả kiểm toán với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán; tính đúng đắn, hợp lý của những ý kiến đánh giá, kết luận kiểm toán; tính khả thi của những kiến nghị kiểm toán và các vấn đề khác (nếu có).
b) Đối với những Báo cáo kiểm toán quan trọng, Vụ Tổng hợp tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng kiểm toán nhà nước để giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán.
2. Vụ Pháp chế tổ chức thẩm định tính pháp lý của dự thảo Báo cáo kiểm toán theo các nội dung sau đây: Tính hợp pháp của các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong dự thảo Báo cáo kiểm toán; việc viện dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong kết luận, kiến nghị kiểm toán; những nội dung cần phải làm rõ để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán; các kết luận, kiến nghị kiểm toán cần bổ sung để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
3. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tổ chức kiểm soát và thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán theo các nội dung: Việc tuân thủ các quy định về hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán, thể thức; nội dung dự thảo Báo cáo kiểm toán thống nhất với các nội dung của kế hoạch kiểm toán tổng quát đã được phê duyệt và thực tế thực hiện kiểm toán; các nội dung của dự thảo Báo cáo kiểm toán đảm bảo tính phù hợp, thống nhất; bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp với các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong dự thảo Báo cáo kiểm toán (đối với các nội dung kiểm toán được kiểm soát trực tiếp, đột xuất); tuân thủ ý kiến chỉ đạo, kết luận của cấp có thẩm quyền trong quá trình lập Báo cáo kiểm toán.
4. Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Vụ tham mưu có thể đề nghị đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán (bằng văn bản) cung cấp thêm các thông tin, tài liệu, giải trình phục vụ cho việc thẩm định dự thảo Báo cáo kiểm toán.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn