Đang bị tạm giam thì có thể làm hợp đồng ủy quyền không?
Đang bị tạm giam thì có thể làm hợp đồng ủy quyền không?
Vợ chồng em có sở hữu chung một chiếc xe hơi. Hiện nay chồng em đang bị tạm giam. Chồng em muốn ủy quyền cho em toàn quyền định đoạt chiếc xe hơi đó. Vậy Ban tư vấn cho em hỏi đang bị tạm giam thì có thể làm hợp đồng ủy quyền không? Chân thành cảm ơn!
Ngọc Hân - han*****@gmail.com
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 44 Luật Công chứng 2014 thì:
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, trong trường hợp trên, chồng bạn có thể đề đạt nguyện vọng ký hết hợp đồng với cơ quan đang thụ lý vụ án và lãnh đạo trại tạm giam; nếu được sự chấp thuận của các cơ quan này, chồng bạn sẽ có thể ủy quyền cho bạn toàn quyền định đoạt chiếc xe hơi đó. Việc lập hợp đồng ủy quyền thì bạn cần yêu cầu công chứng viên đến trại tạm giam nơi chồng bạn bị giam giữ để phối hợp với trại tạm giam thực hiện.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Công chứng viên có được công chứng hợp đồng thương mại bằng tiếng anh?
Em tên là Hồ Vinh Hoa, em đang là học sinh cấp 3 ở thành phố Tiền Giang, em có dự định sẽ thi vào ngành Luật em muốn trở thành một công chứng viên do vậy em muốn tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến ngành này mong ban biên tập giải đáp giúp em, ban biên tập cho em hỏi công chứng viên Việt Nam có thẩm quyền công chứng một hợp đồng thương mại bằng tiếng anh không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 6 Luật công chứng 2014 quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng cụ thể như sau:
Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.
Như vậy căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì tiếng nói và chữ viết được sử dụng trong công chứng phải là tiếng việt do vậy công chứng viên Việt Nam không có thẩm quyền công chứng một hợp đồng thương mại bằng tiếng anh, nếu muốn công chứng này thì hợp đồng tiếng anh phải được dịch ra bằng tiếng việt bởi cơ quan có thẩm quyền. Như vậy công chứng viên mới có thể tiến hành công chứng văn bản theo thủ tục pháp luật về công chứng.
Có bắt buộc điểm chỉ vào hợp đồng công chứng?
Xin cho hỏi, tôi có mua đất nên cùng với người bán đất ra Phòng công chứng để làm hợp đồng công chứng, chúng tôi đã lập hợp đồng xong và cũng đã ký vào hợp đồng, nhưng công chứng viên yêu cầu chúng tôi còn phải điểm chỉ vào hợp đồng ngay bên chữ ký nữa thì mới công chứng. Việc yêu cầu điểm chỉ khi đã có chữ ký của người yêu cầu công chứng như vậy có phù hợp với quy định không?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Công chứng 2014 thì người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì pháp luật bắt buộc người đi yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định thì người đi yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch có thể điểm chỉ để thay thế cho việc ký vào hợp đông, giao dịch. Theo đó, việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường các hợp sau đây:
- Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký;
- Công chứng di chúc;
- Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.
Lưu ý: Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì việc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch khi công chứng là không bắt buộc; việc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch sẽ được áp dụng trong các trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật nêu trên.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì trên thực tế, đa phần tại các Phòng công chứng/ Văn phòng công chứng, các công chứng viên đều đề nghị người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký và đồng thời vào hợp đồng, giao dịch được công chứng, điều này nhằm đảm bảo tránh các rủi ro về mặt pháp lý sao này có thể xảy ra - pháp luật hiện hành không cấm vấn đề này.
Do đó: Việc bạn có mua đất nên cùng với người bán đất ra Phòng công chứng để làm hợp đồng công chứng, hai bên đã lập hợp đồng xong và cũng đã ký vào hợp đồng, nhưng công chứng viên yêu cầu hai bên còn phải điểm chỉ vào hợp đồng ngay bên chữ ký nữa thì mới công chứng là phù hợp nếu Văn phòng công chứng đó có quy định về vấn đề này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn