Đòi lại đất tặng cho đã có hợp đồng công chứng có được hay không?
Đòi lại đất tặng cho đã có hợp đồng công chứng?
Năm 2018, ông bà tôi có làm Hợp đồng tặng cho mảnh đất có sổ đỏ đứng tên ông cho tôi. Bản công chứng của Hợp đồng tặng cho tôi đang giữ nhưng sổ đỏ đứng tên ông thì do chú tôi giữ. Trong quá trình tôi làm sổ đỏ thì ông bà tôi muốn đòi lại và đã làm đơn trình lên Phòng tài nguyên môi trường ở huyện đòi lại đất. Vụ việc chưa được giải quyết thì ông tôi bị tai nạn qua đời, bà tôi thì hiện nay đã không còn minh mẫn, sức khỏe rất yếu, tôi lo ngại khi bà mất đi thì sẽ phải tranh chấp với các cô chú. Trường hợp này tôi phải làm sao mong được tư vấn.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014 quy định:
- Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Thứ nhất, về hợp đồng tặng cho
Mảnh đất của ông bà bạn đã có sổ đỏ và khi tặng cho bạn đã lập hợp đồng tặng cho có công chứng. Như vậy, việc tặng cho này đã đáp ứng các điều kiện về pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất và hợp đồng tặng cho này có hiệu lực. Ông bà bạn muốn đòi lại đất thì chỉ có 2 cách đó là hủy bỏ hợp đồng tặng cho hoặc yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.
Khoản 1 Điều 51 Luật công chứng 2014 cũng đã quy định về việc hủy bỏ hợp đồng như sau:
- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
Như vậy, nếu như bạn không muốn hủy thì việc hủy bỏ hợp đồng tặng cho này không thực hiện được.
- Còn nếu bà bạn muốn yêu cầu Tòa án tuyên văn bản tặng cho vô hiệu thì bà bạn phải đưa ra chứng cứ để chứng minh tại sao hợp đồng vô hiệu.
Thứ hai, về việc sang tên sổ đỏ.
Trong trường hợp của bạn, có 2 vấn đề cần giải quyết:
- Bạn cần làm văn bản gửi tới Phòng tài nguyên môi trường để trả lời về việc ông bà bạn gửi đơn đòi lại đất để chứng minh việc ông bà bạn tặng cho đất là hợp pháp, không trái đạo đức xã hội và đáp ứng đầy đủ điều kiện của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu bạn không giải quyết được việc này thì bạn Để làm được văn bản này thì bạn phải biết được lý do tại sao mà ông bà bạn lại đòi lại đất ghi trong đơn đòi lại đất để trả lời cho Phòng tài nguyên môi trường.
- Sổ đỏ hiện tại do chú của bạn giữ. Theo như hợp đồng tặng cho thì bên tặng cho (là ông bà bạn) sẽ có nghĩa vụ giao sổ đỏ cho bạn để bạn thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. Chú của bạn không có quyền đối với mảnh đối nên không có quyền giữ sổ đỏ. Bạn có quyền yêu cầu chú của bạn trả lại sổ đỏ. Nếu chú bạn không trả thì bạn có thể nhờ công an yêu cầu cậu bạn trả lại sổ đỏ.
Thay mặt bên ủy quyền công chứng hợp đồng ủy quyền có được không?
Xin cho tôi hỏi: trường hợp nội dung ủy quyền là thay mặt bên ủy quyền trong việc chuyển quyền sở hữu tài sản, tặng cho, thế chấp tài sản là bất động sản thì có được công chứng hoặc chứng thực không? Cơ sở pháp lý quy định về nội dung này?
Trả lời:
Điều 2 Luật công chứng năm 2014 quy định:
- Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
- Việc ủy quyền thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản là bất động sản là một giao dịch dân sự, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu tự nguyện của người yêu cầu công chứng. Vậy, bạn có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào để công chứng hợp đồng nêu trên.
Hợp đồng đặt cọc có cần công chứng không?
Tôi dự định ký kết một hợp đồng đặt cọc 30 ngày với bên bán đất để coi tình hình biến động như thế nào, sau đó mới mua bán nhưng em tôi đã mượn sổ hộ khẩu làm công việc chưa đem về kịp vậy khi ra công chứng làm hợp đồng đặt cọc tôi có thể dùng hộ khẩu photo thay thế hộ khẩu bản chính có được không? Có nhất thiết phải công chứng không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị của văn bản công chứng. Theo đó, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Sau khi có yêu cầu công chứng, công chứng viên phải kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ tùy thân, giấy tờ về tài sản… rồi chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Cũng theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2014, các loại hợp đồng, giao dịch khi được công chứng sẽ có giá trị như một chứng cứ và không phải chứng minh các sự kiện, tình tiết trong đó trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, một hợp đồng, giao dịch khi qua công chứng thì sẽ được ghi nhận và bảo đảm về mặt nội dung, hình thức cũng như tính pháp lý của văn bản đó.
Hợp đồng đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, có thể hiểu đặt cọc là việc mà bên đặt cọc giao một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Có thể hiểu hợp đồng đặt cọc là một dạng hợp đồng “dự bị” để một thời gian sau sẽ thực hiện một giao dịch khác. Lúc này sẽ có các trường hợp sau xảy ra:
Trường hợp 1: Trường hợp hợp đồng được giao kết thì:
- Tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc
- Tài sản đặt cọc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền
Trường hợp 2: Trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng khi hết thời gian đặt cọc thì tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.
Trường hợp 3: Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng khi hết thời gian đặt cọc thì:
- Bên nhận đặt cọc phải trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc
- Trả một số tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc
Ngoài ra, nếu hai bên có thỏa thuận khác thì khi hợp đồng đặt cọc không thực hiện được, hai bên phải thực hiện theo thỏa thuận khác đó.
Như vậy, luật không quy định bắt buộc phải thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính pháp lý cũng như phòng ngừa trường hợp tranh chấp xảy ra, chúng ta nên thực hiện việc công chứng Hợp đồng đặt cọc.
Mặt khác căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật công chứng 2014 quy định hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Như vậy căn cứ quy định của pháp luật thì trường hợp này nếu bạn đáp ứng được đầy đủ các giấy tờ nêu trên thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng sổ hộ khẩu photo để công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán đất theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn