Quy trình xét, đề nghị cấp tổ, bộ môn, khoa trong việc xét, công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi trong BQP là gì?
Quy trình xét, đề nghị cấp tổ, bộ môn, khoa trong việc xét, công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi trong BQP là như thế nào?
Tại Điều 10 Thông tư 13/2022/TT-BQP có quy định quy trình xét, đề nghị cấp tổ, bộ môn, khoa trong việc xét, công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi trong BQP như sau:
1. Cấp tổ, bộ môn
a) Nhà giáo căn cứ các tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này, tự nguyện lập hồ sơ (03 bộ), nộp cho tổ, bộ môn để đề nghị xét, công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi.
b) Chỉ huy tổ, bộ môn tổ chức họp toàn thể nhà giáo trong tổ, bộ môn để xét nhà giáo có đủ tiêu chuẩn theo quy định.
c) Tổ chức lấy tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nhà giáo đạt 90% số phiếu tín nhiệm trở lên so với tổng số nhà giáo trong tổ, bộ môn, được báo cáo lên khoa; hồ sơ gồm: Danh sách đề nghị theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo Hồ sơ của nhà giáo theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
d) Đối với cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện quy trình xét, đề nghị như quy định tại các điểm a, b Khoản này.
2. Cấp khoa
a) Chỉ huy khoa tổ chức phiên họp toàn thể nhà giáo trong khoa để xét, đề nghị công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
b) Tổ chức lấy tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín (đối với các trường mầm non lấy ý kiến toàn thể giáo viên của trường). Nhà giáo đạt 90% số phiếu tín nhiệm trở lên so với tổng số nhà giáo trong khoa, được khoa đề nghị lên Hội đồng cấp cơ sở, hồ sơ gồm: Các văn bản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; Biên bản phiên họp xét, đề nghị theo Mẫu số 06; Biên bản kiểm phiếu xét, đề nghị theo Mẫu số 07; Phiếu bầu theo Mẫu số 08; Danh sách nhà giáo được công nhận danh hiệu theo Mẫu số 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Quy trình xét, đề nghị, công nhận cấp cơ sở trong việc xét, công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi trong BQP là như thế nào?
Tại Điều 11 Thông tư 13/2022/TT-BQP có quy định quy trình xét, đề nghị, công nhận cấp cơ sở trong việc xét, công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi trong BQP như sau:
1. Hội đồng cấp cơ sở
a) Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường quyết định thành lập Hội đồng cấp cơ sở, có số lượng từ 11 đến 17 người. Thành phần Hội đồng, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký, Ủy viên; trong đó, Giám đốc, Hiệu trưởng hoặc Chính ủy, Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng, Phó Chính ủy; các Ủy viên Hội đồng gồm: Thủ trưởng cơ quan Đào tạo là Ủy viên thư ký và Thủ trưởng các cơ quan, chủ nhiệm khoa chuyên ngành. Hội đồng cấp cơ sở trường mầm non do cấp quản lý trường thành lập.
b) Nhà giáo đăng ký, nộp hồ sơ xét, công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi không tham gia Hội đồng.
c) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín. Các cuộc họp của Hội đồng phải có từ 2/3 số thành viên trở lên tham dự. Thành viên Hội đồng vắng mặt phải được Chủ tịch Hội đồng đồng ý và gửi phiếu bầu đến Hội đồng xem xét tại phiên họp để bảo đảm đủ 100% phiếu bầu.
d) Hội đồng được sử dụng con dấu của cơ quan người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng.
đ) Cơ quan Đào tạo là cơ quan thường trực Hội đồng.
2. Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập Ban Thư ký để giúp việc cho Hội đồng.
3. Thẩm định hồ sơ
a) Cơ quan thường trực Hội đồng tổng hợp đề nghị của các khoa, bàn giao hồ sơ cho Ban Thư ký thẩm định.
b) Ban Thư ký thẩm định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ và các tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định, báo cáo Chủ tịch Hội đồng kết quả thẩm định nhà giáo đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn xét, công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi, đề nghị Chủ tịch Hội đồng cho thông báo công khai và đăng trên trang thông tin điện tử của nhà trường, chậm nhất 10 ngày trước khi tổ chức phiên họp Hội đồng về kết quả thẩm định của Ban Thư ký.
c) Ban Thư ký tổng hợp, thống nhất danh sách nhà giáo đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn xét, công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi, báo cáo Chủ tịch Hội đồng; gửi hồ sơ, tài liệu đến các thành viên Hội đồng và chuẩn bị phiên họp của Hội đồng cấp cơ sở.
4. Họp Hội đồng và hoàn thiện hồ sơ
a) Hội đồng xem xét, thảo luận về tiêu chuẩn của các nhà giáo tham gia xét, công nhận Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi; Hội đồng xem xét kiến nghị của các tổ chức, cá nhân (nếu có), biểu quyết thông qua danh sách đủ tiêu chuẩn, không đủ tiêu chuẩn.
b) Tổ chức lấy tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với nhà giáo được đề nghị công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Nhà giáo đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng, được Hội đồng đưa vào danh sách đề nghị công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
c) Ban Thư ký hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo cấp ủy và đề nghị người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều này ra quyết định công nhận.
5. Thẩm quyền quyết định công nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở
a) Đối với các nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng: Căn cứ đề nghị của Hội đồng cơ sở, Giám đốc, Hiệu trưởng ký quyết định công nhận và Giấy chứng nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
b) Đối với các nhà trường không trực thuộc Bộ Quốc phòng: Căn cứ đề nghị của Hội đồng cơ sở, Giám đốc, Hiệu trưởng báo cáo bằng văn bản với Thủ trưởng cấp quản lý trường ký quyết định công nhận và Giấy chứng nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
c) Đối với trường mầm non, cấp quản lý trường ký quyết định và Giấy chứng nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
6. Giấy chứng nhận danh hiệu Giảng viên dạy giỏi, Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở theo Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân