Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy tờ gì để chứng minh được sở hữu nhà ở tại việt Nam?
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ gì để chứng minh sở hữu nhà ở tại việt Nam?
Chào Ban biên tập, chị tôi là người Việt Nam hiện định cư ở nước ngoài, nay muốn được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cần có những giấy tờ nào? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ.
Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, có quy định đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây để được sở hữu nhà ở:
- Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ này sẽ giúp ít cho bạn.
Những ai được mua, thuê nhà ở để phục vụ tái định cư?
Toàn bộ đất của gia đình tôi đều vào quy hoạch, Nhà nước cũng đã hỗ trợ chúng tôi một số tiền tương xứng với đất bị lấy đi để chúng tôi tìm chỗ khác để an cư, lập nghiệp. Bạn tôi có giới thiệu tôi biết có nơi đang bán, cho thuê nhà ở để phục vụ tái định cư nhưng không biết mình có thuộc đối tượng được thuê, mua không. Nên rất mong các bạn hỗ trợ giúp: Những ai được mua, thuê nhà ở để phục vụ tái định cư?
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, có quy định đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua, mua nhà ở để phục vụ tái định cư bao gồm:
a) Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở hợp pháp thuộc diện bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở gắn với nhà ở và phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai và không có chỗ ở nào khác;
c) Hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở.
=> Như vậy, bạn xem mình có thuộc đối tượng được thuê, mua nhà ở để phục vụ tái định cư không nhé.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ này sẽ giúp ít cho bạn.
Trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước
Nhờ Ban tư vấn hãy giải đáp giúp tôi vấn đề sau trong thời gian sớm nhất. Cụ thể cho tôi hỏi trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định như thế nào? Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời: Trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại Khoản 2 Điều 69 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, theo đó:
Trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện như sau:
a) Người mua nhà ở phải nộp hồ sơ đề nghị mua nhà tại đơn vị đang quản lý vận hành nhà ở hoặc tại cơ quan quản lý nhà ở (do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định);
b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận, ghi giấy biên nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và lập danh sách người mua nhà ở. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị mua nhà ở cũ, Sở Xây dựng tổ chức họp Hội đồng xác định giá bán nhà ở để xác định giá bán nhà ở, quyền sử dụng đất. Sau khi Hội đồng xác định giá bán nhà ở xác định giá bán nhà ở, quyền sử dụng đất, Sở Xây dựng lập danh sách đối tượng được mua nhà ở kèm theo văn bản xác định giá bán nhà ở của Hội đồng xác định giá bán nhà ở trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định.
Đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng đang quản lý thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị Hội đồng xác định giá bán nhà ở họp để xác định giá; sau đó trình Bộ Quốc phòng ban hành quyết định bán nhà ở cũ;
c) Căn cứ vào báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, ban hành quyết định bán nhà ở cũ, trong đó nêu rõ đối tượng được mua nhà ở, địa chỉ nhà ở được bán, giá bán nhà ở cũ và giá chuyển quyền sử dụng đất và gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở biết để phối hợp thực hiện ký kết hợp đồng mua bán nhà ở;
d) Sau khi nhận quyết định bán nhà ở cũ, đơn vị quản lý vận hành nhà ở thông báo cho người mua nhà biết thời gian cụ thể để ký kết hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở;
đ) Thời gian thực hiện bán nhà ở cũ là không quá 45 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ đến khi ký hợp đồng mua bán. Thời gian này không tính vào thời gian nộp nghĩa vụ tài chính và thời gian cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở.
Việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận phải gửi danh sách người mua nhà ở đã được cấp giấy và sao một (01) bản Giấy chứng nhận cho Sở Xây dựng lưu để theo dõi;
e) Trường hợp quá 90 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở có thông báo thời gian ký hợp đồng mua bán nhà ở mà người mua chưa thực hiện ký hợp đồng, nếu có thay đổi về giá đất ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì cơ quan quản lý nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân cấp tỉnh phê duyệt giá mới trước khi ký kết hợp đồng mua bán với người mua nhà ở.
Trên đây là tư vấn về trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Lê Bảo Y