Các hình thức đầu tư ra nước ngoài như thế nào ? Dự án đầu tư viễn thông ra nước ngoài có cần chấp thuận chủ trương đầu tư?
Có các hình thức đầu tư ra nước ngoài nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020 nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
b) Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
c) Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Như vậy, công ty của bạn có thể lựa chọn một trong số các hình thức đầu tư như trên để đầu tư ra nước ngoài.
Dự án đầu tư viễn thông ra nước ngoài có cần chấp thuận chủ trương đầu tư?
Căn cứ Điều 56 Luật này có quy định như sau:
1. Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
2. Trừ các dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
b) Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
3. Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, nếu dự án của bạn có vốn đầu tư từ 400 tỷ đồng trở lên hoặc thuộc các trường hợp khác quy định như trên thì phải được chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn