Phiên tòa xét xử sơ thẩm rút gọn có nghị án không? Việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo diện rút gọn được quy định thế nào?
Phiên tòa xét xử sơ thẩm rút gọn có nghị án không?
Căn cứ Điều 456 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như sau:
1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
b) Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Bên cạnh đó, tại Điều 463 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định về phiên tòa xét xử sơ thẩm như sau:
1. Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
3. Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Như vậy, theo quy định hiện hành đối chiếu với trường hợp mà anh/chị đề cập thì trong trường hợp này phiên tòa hình sự này được xét xử theo diện rút gọn do đó, nghị án được lược bỏ là một trong những yếu tố rút gọn của phiên tòa nên việc không nghị án là hoàn toàn đúng quy định.
Việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo diện rút gọn được quy định thế nào?
Điều 464 Bộ luật này cũng quy định về việc chuẩn bị xét xử phúc thẩm như sau:
1. Việc nhận và thụ lý hồ sơ vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
3. Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Theo đó, trong trường hợp phiên tòa thuộc trường hợp xét xử phúc thẩm thì việc chuẩn bị phiên tòa phúc thẩm sẽ được tiến hành như trên.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi