Quy định đối với Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản? Cá nhân nào không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản?
Quy định về Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản?
Cá nhân nào không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi là Trần Quang Huy, năm nay 35 tuổi. Tôi đang dự định cùng một vài người bạn mở một công ty hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, tôi được biết pháp luật có hạn chế những đối tượng không được hành nghề trong lĩnh vực này. Vì vậy xin Ban biên tập tư vấn giúp, cảm ơn.
Trả lời: Cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đã được quy định cụ thể tại Điều 14 Luật Phá sản 2014.
Theo đó, cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản bao gồm:
1. Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.
2. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phá sản 2014.
Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định như thế nào?
Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu? Em xin chào và chúc sức khoẻ các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Gần đây, em có tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng và vô tình biết đến công ty quản lý, thanh lý tài sản. Em thấy rất lạ và muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được quy định cụ thể tại Điều 13 Luật Phá sản 2014.
Theo đó, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định như sau:
1. Các loại doanh nghiệp sau đây được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản:
a) Công ty hợp danh;
b) Doanh nghiệp tư nhân.
2. Điều kiện để doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản:
a) Công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên;
b) Doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là Giám đốc.
3. Chính phủ quy định chi tiết việc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phá sản 2014.
Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản khi có tài sản ở nước ngoài?
Các bạn có thể trả lời giúp tôi trong trường hợp giải quyết vụ việc phá sản của doanh nghiệp mà có tài sản ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp nào (cấp tỉnh, cấp huyện) sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản này? Xin cảm ơn!
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo đó, theo quy định tại Điều 8 Luật Phá sản 2014 thì thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân cụ thể như sau:
Tòa án nhân dân cấp tỉnh:
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
+ Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
Tòa án nhân dân cấp huyện:
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền giait quyết phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được trích dẫn trên đây.
Như vậy, căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đối với trường hợp vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP thì tài sản ở nước ngoài trong trường hợp trên đây được xác định là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Lê Bảo Y