Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong sự cố tràn dầu như thế nào?
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong sự cố tràn dầu được quy định như thế nào?
Tại Điều 44 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu kèm theo Quyết định 12/2021/QĐ-TTg có quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong sự cố tràn dầu như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 và Điều 11 Quy chế này.
2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cảng trên địa bàn tỉnh theo quy định; kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại địa phương.
3. Chỉ đạo và báo cáo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu khi xảy ra trên địa bàn; chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở, tàu gây ra tràn dầu bồi thường thiệt hại.
4. Chỉ đạo việc tập huấn, huấn luyện về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường biển, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.
5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trách nhiệm của trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực trong sự cố tràn dầu được thực hiện như thế nào?
Tại Điều 45 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu kèm theo Quyết định 12/2021/QĐ-TTg có quy định trách nhiệm của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực như sau:
1. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được giao; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu dầu theo phân cấp và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở; sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Triển khai hướng dẫn các tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tham gia vào hội đồng thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở.
3. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực trên đất liền, trên biển, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.
4. Kịp thời báo cáo khi có sự cố tràn dầu, kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
5. Tổ chức các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về ứng phó sự cố tràn dầu, theo kế hoạch được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân