Trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước thì người bảo lãnh phải nộp thay không?
Trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước thì người bảo lãnh phải nộp thay?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế như sau:
1. Phạt tiền tương ứng với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước (trừ số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán cho người nộp thuế) đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế, trừ trường hợp các tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng thương mại đó không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền mà người nộp thuế phải nộp.
2. Người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.
Nếu quá thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh bị tính tiền chậm nộp do chậm nộp tiền thuế, tiền phạt và bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp trên, nếu quá thời hạn bão lãnh mà người nộp thuế chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ mà người bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh bị tính tiền chậm nộp do chậm nộp tiền thuế, tiền phạt và bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Việc bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan như sau:
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 05 ngày trở lên.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế, trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định này;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.
3. Mức phạt tiền quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân áp dụng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Như vậy, việc bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế quy định tại Điều 18 Nghị định trên sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân áp dụng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định trên.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh