Mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn là 5 triệu/tháng?

Mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn là 5 triệu/tháng? Cấp dưỡng cho con đến lúc con mấy tuổi? Khi nào thì ông, bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu?

Mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn là 5 triệu/tháng?

Dạ, cho em hỏi, trường hợp pháp luật có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa thành niên khi vợ, chồng ly hôn là ấn định con số cấp dưỡng 5 triệu/tháng đúng không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, không phải áp đặt 1 con số bắt buộc về vấn đề cấp dưỡng như 5 triệu/tháng mà bạn đề cập mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Cấp dưỡng cho con đến lúc con mấy tuổi?

Vợ chồng tôi ly hôn và có con 10 tuổi. Vợ tôi giành quyền nuôi con và yêu cầu tôi gửi tiền cấp dưỡng ăn ở, học tập cho con hàng tháng. Vậy tôi phải cấp dưỡng cho con đến lúc con mấy tuổi?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Khoản 24 Điều 3 Luật này có giải thích về cấp dưỡng như sau:

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Mà theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. 

Như vậy trường hợp của bạn sẽ phải cấp dưỡng cho con đến khi con đủ 18 tuổi. Nếu con đủ 18 tuổi mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì bạn vẫn phải tiếp tục cấp dưỡng.

Khi nào thì ông, bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu?

Xin được hỏi, theo quy định pháp luật vê hôn nhân và gia đình thì khi nào ông, bà phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 113 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

Như vậy, về nguyên tắc trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112, Ví dụ: Không còn cha, mẹ, anh chị em hoặc có đối tượng trên nhưng không có khả năng lao động thì ông, bà có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ly hôn

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào