Đã thuê được nhà có được cấp nhà công vụ không?

Đã thuê được nhà có được cấp nhà công vụ không? Nhân viên y tế có được thuê nhà ở công vụ? Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng quyết định đầu tư

Đã thuê được nhà có được cấp nhà công vụ không?

Tôi muốn hỏi về đối tượng được cấp nhà công vụ. Do tôi là giáo viên được luân chuyển tới công tác tại khu vực nông thôn. Tôi có nhờ một người bạn thuê hộ nhà trọ nhưng giờ lại muốn ở trong nhà công vụ. Thì không biết có được cấp nhà công vụ trong trường hợp này nữa hay không?

Trả lời:

Căn cứ vào Điều 32 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng được thuê nhà ở công vụ như sau:

1. Đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:

a) Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;

...

 

đ) Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

e) Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

g) Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

2. Điều kiện được thuê nhà ở công vụ được quy định như sau:

a) Đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh;

b) Đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này thì phải thuộc diện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa phương nơi đến công tác hoặc đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực khác nhau.

Như vậy, với trường hợp là giáo viên được phân công tới giảng dạy ở vùng nông thôn thì sẽ thuộc đối tượng được cho thuê nhà công vụ. Tuy nhiên, điều kiện để được thuê nhà công vụ thì phải chưa có nhà hoặc chưa thuê được nhà tại địa phương nơi mình công tác, mà hiện tại chị đã thuê được nhà như vậy sẽ không được thuê nhà công vụ theo quy định.

Nhân viên y tế có được thuê nhà ở công vụ?

Nhân viên y tế có được thuê nhà ở công vụ?

Tôi là nhân viên y tế tại trạm y tế thì có được thuê nhà ở công vụ hay không? Mong được giải đáp thắc mắc.

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở 2014 có quy định như sau:

Đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:

- Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;

- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên;

- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang;

- Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

- Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;

- Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

Như vậy, theo quy định như trên chỉ có bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì mới thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ.

Trong trường hợp của bạn cần xét tới việc bạn đang công tác tại các vùng như trên hay không. Nếu bạn tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì bạn có quyền được thuê nhà ở công vụ.

Thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng quyết định đầu tư

Xin cho tôi hỏi: Trình tư, thủ tục lựa chọn hủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư được thực hiện như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành? Vui lòng cung cấp thêm giúp tôi các căn cứ pháp lý cụ thể về vấn đề trên?

Trả lời:

Theo quy định hiện hành thì nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.

Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ bao gồm đầu tư xây dựng mới và mua nhà ở thương mại được lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về xây dựng.

Pháp luật về nhà ở quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ có các loại sau đây:

- Dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo đề nghị của Bộ Xây dựng để cho các đối tượng của các cơ quan trung ương thuê, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 Luật Nhà ở 2014;

- Dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để cho đối tượng thuộc diện là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang thuê;

- Dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển đến làm việc tại địa phương.

Đối với các đối tượng được điều động, luân chuyển đến làm việc ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện), đối tượng quy định tại các điểm c, đ, e và g khoản 1 Điều 32 của Luật Nhà ở 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư dự án.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Theo đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 28 Luật Nhà ở 2014 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Luật Nhà ở 2014 theo đề nghị của Bộ Xây dựng;

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng quyết định đầu tư theo đề nghị của Bộ Xây dựng được quy định cụ thể như sau:

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để cho đối tượng của các cơ quan trung ương thuê (trừ đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 32 của Luật Nhà ở 2014) thì Bộ Xây dựng đề xuất đơn vị làm chủ đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong thời hạn tối đa là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ có văn bản quyết định lựa chọn chủ đầu tư hoặc ủy quyền cho Bộ Xây dựng thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nhà công vụ

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào