Bảo đảm nền giáo dục có chất lượng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người theo Kế hoạch hành động bình đẳng giới
Công tác bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người theo Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới
Căn cứ theo Tiểu mục 3 Mục II Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định 383/QĐ-BGDĐT năm 2022 quy định về việc bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người như sau:
3.1. Xây dựng chương trình giáo dục mầm non tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non và đánh giá sự phát triển của trẻ; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, hình thành ở trẻ hiểu biết về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong hoạt động học và sinh hoạt.
3.2. Thực hiện các giải pháp đánh giá, giám sát, hỗ trợ để tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 05 tuổi và hướng đến phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo 04 tuổi. Xây dựng chính sách hỗ trợ xóa mù chữ, tăng cường phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
3.3. Triển khai có chất lượng và hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú; phát triển khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện hoàn cảnh của bản thân; những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
3.4. Tuyên truyền, vận động và tổ chức tốt việc học tập suốt đời cho người lớn, phấn đấu mỗi người, mỗi gia đình, làng (xóm, thôn, bản), xã (phường, thị trấn) trở thành công dân học tập, gia đình học tập và đơn vị học tập. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm cho nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với từng lĩnh vực, ngành, nghề và vùng, miền.
3.5. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030"; đổi mới, đa dạng hóa hình thức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; quan tâm xóa mù chữ và giáo dục sau biết chữ đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số.
3.6. Phát triển các dịch vụ giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục có chất lượng.
3.7. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách tín dụng giáo dục cho người học; chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
3.8. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
3.9. Tăng cường các chương trình giáo dục, tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất, nâng cao thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên đáp ứng mục tiêu của Đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”.
Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới
Bên cạnh đó tại Tiểu mục 4 Mục II Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định này quy định về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới như sau:
4.1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”; rà soát, đánh giá kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 33/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025”; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019; thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ.
4.2. Triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
4.3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4.4. Đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; chú trọng các kỹ năng mềm cho người học.
4.5. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giúp các sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ có cơ hội trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
4.6. Tạo cơ chế để giảng viên, nhà khoa học nữ phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng. Kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tạo ra sản phẩm trí tuệ, sáng tạo của Việt Nam.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi