Công tác giám sát và đánh giá giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững quy định ra sao?
Giải pháp xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Căn cứ Tiểu mục 10 Mục IV Điều 1 Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 quy định về giải pháp xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững như sau:
- Chính sách đất đai
Hoàn thiện chính sách đất đai trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất như quyền tài sản với nguyên tắc vận hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao; người dân dễ dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong thị trường giao dịch thống nhất. Hỗ trợ các nông dân sản xuất hiệu quả tích tụ đất nông nghiệp làm trang trại. Hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua, thuê hoặc nhận vốn góp bằng đất nông nghiệp của các hộ nông dân; rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp để tạo quỹ đất.
Mở rộng chứng nhận đối tượng tài sản trên đất được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như nhà kính, nhà lưới,...). Bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Đối với diện tích đất trên, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ, thực sự đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch đất đai về thông tin quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực; rà soát lại cơ cấu 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) phù hợp với điều kiện thực tế. Nghiên cứu đổi mới hoạt động của Trung tâm phát triển Quỹ đất làm nền tảng để xây dựng “Ngân hàng đất” hỗ trợ cho giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp.
- Chính sách tài chính, tín dụng
Phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nghiên cứu giao nhiệm vụ tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn cho Hội Nông dân và Liên minh hợp tác xã, qua đó hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính đến cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái...
Mở rộng các loại tài sản thế chấp vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá theo thị trường cho các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp (trang trại, nhà kính, nhà màng, hệ thống tưới,...) và cả các tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ, thương hiệu,...) để đảm bảo vay vốn ngân hàng. Thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, gắn tín dụng sản xuất, cho vay đầu tư, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác; có quỹ ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản chế biến, dịch vụ logistics, hạ tầng thương mại, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp. Áp dụng rộng và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm ứng phó với rủi ro thiên tai, dịch bệnh.
- Chính sách đầu tư
Tăng đầu tư công cho nông nghiệp, điều chỉnh cơ cấu để tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, đào tạo nhân lực, bảo đảm liên kết vùng, sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Điều chỉnh chiến lược đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các vùng có lợi thế, vùng chuyên canh chính. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị, máy móc đầu vào; công nghiệp chế biến nông sản,...); dịch vụ phục vụ nông nghiệp (kho bãi, vận tải chuyên dụng, thương mại, logistic,...). Đặc biệt ưu đãi phát triển các ngành cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra mang tính chất quyết định tạo giá trị gia tăng cho các chuỗi giá trị nông sản chiến lược, đảm bảo để nông nghiệp không rơi vào bẫy “sản xuất gia công”. Đổi mới cơ chế, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào nông nghiệp, nông thôn nhất là các vùng sâu, xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chính sách thuế
Phân cấp, điều chỉnh chính sách thuế, phí ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm cho cư dân nông thôn và tăng nguồn thu ngân sách cho cấp xã, cấp huyện. Cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số ngành lĩnh vực quan trọng. Rà soát, cắt, giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tăng hiệu quả việc đăng ký, khai, nộp, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, phí như khai, nộp, hoàn thuế.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn. Giao quyền chủ động cho các hợp tác xã, tổ chức nông dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp tham gia đề xuất yêu cầu, xây dựng nội dung đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp, các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, xúc tiến thương mại, quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ sản xuất, ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu... theo sát yêu cầu thực tế để gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đào tạo các chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực, ngành hàng. Đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý sinh thái, quản lý trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh,... Xây dựng chương trình đào tạo “nông dân chuyên nghiệp”, “lao động tay nghề cao”.
Công tác giám sát và đánh giá giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Theo Tiểu mục 11 Mục IV Điều này cũng quy định về công tác giám sát và đánh giá giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững như sau:
Tổ chức giám sát nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực hiện Chiến lược làm căn cứ hoạch định chính sách, điều chỉnh kế hoạch và giải pháp kịp thời. Giám sát các chương trình, đề án, dự án thực hiện Chiến lược thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch 5 năm, hàng năm hoặc đột xuất. Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn. Việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược được thực hiện đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan.
Xây dựng, triển khai hệ thống lập kế hoạch và giám sát ngành nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu kịp thời, chính xác, đồng bộ phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi