Quy định về điều chỉnh độ mật và cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước
Điều chỉnh độ mật của bí mật nhà nước
Căn cứ Điều 15 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1326/QĐ-BTP năm 2021 việc điều chỉnh độ mật của bí mật nhà nước được quy định như sau:
1. Người có thẩm quyền xác định độ mật của bí mật nhà nước có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh độ mật của bí mật nhà nước.
2. Việc điều chỉnh độ mật phải căn cứ vào Danh mục bí mật nhà nước do cấp có thẩm quyền ban hành thuộc lĩnh vực tư pháp và quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi điều chỉnh độ mật phải được đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc tăng, giảm độ mật.
4. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày điều chỉnh độ mật, cơ quan, tổ chức đã điều chỉnh độ mật phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước
Căn cứ Điều 14 Quy chế này việc cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước và cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:
1. Bộ Tư pháp chỉ cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do Bộ Tư pháp soạn thảo, tạo ra.
2. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy chế này quyết định việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước.
Cơ quan, tổ chức đề nghị cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản gửi người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ tên cơ quan, tổ chức; người đại diện cơ quan, tổ chức; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.
Người đề nghị cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản gửi người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Văn bản đề nghị phải ghi rõ họ và tên; số Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Chứng minh công an nhân dân hoặc số giấy chứng minh do Quân đội nhân dân cấp; địa chỉ liên lạc; vị trí công tác; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng và cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật thuộc phạm vi quản lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước chỉ được cung cấp, chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào chương trình hợp tác quốc tế do Bộ Tư pháp chủ trì hoặc thi hành công vụ có liên quan đến bí mật nhà nước.
Cơ quan, tổ chức nước ngoài đề nghị cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản gửi Bộ Tư pháp. Văn bản đề nghị phải ghi rõ tên cơ quan, tổ chức, người đại diện cơ quan, tổ chức; quốc tịch, số Hộ chiếu, chức vụ của người đại diện; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng, cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và không cung cấp, chuyển giao cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý của bên cung cấp, chuyển giao.
Cá nhân nước ngoài đề nghị cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản gửi Bộ Tư pháp. Văn bản đề nghị phải ghi rõ họ và tên; số Hộ chiếu, địa chỉ liên lạc; bí mật nhà nước đề nghị cung cấp, chuyển giao; mục đích sử dụng, cam kết bảo vệ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước và không cung cấp, chuyển giao cho bên thứ ba nếu không có sự đồng ý của bên cung cấp, chuyển giao.
Việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt Mật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Trường hợp từ chối cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, người có thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn