Việc xác định, quản lý, bảo vệ, lưu giữ dự thảo văn bản, tài liệu bí mật nhà nước được thực hiện như thế nào?
Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước
Căn cứ Điều 7 Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1326/QĐ-BTP năm 2021 việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước như sau:
1. Người soạn thảo, tạo ra thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đề xuất người có thẩm quyền ký ban hành văn bản xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
2. Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ quy định. Trường hợp sử dụng bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức khác thì phải xác định độ mật tương ứng. Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc danh mục bí mật nhà nước có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất.
3. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi soạn thảo phải ghi rõ nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu.
Quản lý, bảo vệ, lưu giữ dự thảo văn bản, tài liệu bí mật nhà nước
Căn cứ Điều 8 Quy chế này việc quản lý, bảo vệ, lưu giữ dự thảo văn bản, tài liệu bí mật nhà nước như sau:
1. Dự thảo văn bản, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước phải được quản lý, bảo vệ, lưu giữ như văn bản ban hành chính thức từ khi soạn thảo đến khi hoàn thành việc soạn thảo.
2. Không soạn thảo, lưu giữ tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trên máy tính, các thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn