Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá như thế nào?
Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá
Tại Điều 8 Thông tư 02/2022/TT-BTC có quy định như sau:
Điều 8. Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá
1. Trách nhiệm của người có tài sản đấu giá:
a) Thông báo công khai việc lựa chọn, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí lựa chọn và chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản;
b) Xem xét, xác minh thông tin phản ánh về việc tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn;
c) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn và kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản kèm theo kết quả xác minh trong trường hợp tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn;
d) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá:
a) Yêu cầu người có tài sản đấu giá thuộc thẩm quyền quản lý báo cáo kết quả xác minh, hủy kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, đơn phương chấm dứt, chấm dứt hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu trong trường hợp tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn;
b) Có biện pháp xử lý đối với những cá nhân, tổ chức liên quan có hành vi vi phạm trong việc đánh giá, chấm điểm lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo thẩm quyền;
c) Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tại Điều 9 Thông tư 02/2022/TT-BTP có quy định như sau:
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Cục Bổ trợ tư pháp là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về đấu giá tài sản, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư này;
b) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo thẩm quyền;
c) Công bố trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản thông tin các tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản;
d) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Thông tư này và pháp luật có liên quan.
2. Thanh tra Bộ, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phối hợp cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản khi có yêu cầu của người có tài sản đấu giá trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản;
b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của người có tài sản đấu giá theo thẩm quyền;
c) Công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp thông tin về tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản;
d) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Thông tư này và pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân