Trách nhiệm đối với đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của UBND tỉnh trong tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường
Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022 có quy định về trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:
a) Thiết lập, cập nhật số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng cấp tỉnh (không sử dụng điện thoại và thư điện tử cá nhân cho đường dây nóng) đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy chế này, trừ trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thiết lập đường dây nóng chung cho các lĩnh vực; gửi thông tin về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) chậm nhất 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực để kết nối với số điện thoại tổng đài đường dây nóng cấp Trung ương;
b) Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, vận hành và hướng dẫn sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin nhằm quản lý thống nhất thông tin, dữ liệu liên quan đến đường dây nóng;
c) Phân công đơn vị, bố trí cán bộ chịu trách nhiệm tổ chức vận hành hệ thống đường dây nóng cấp tỉnh; phân công Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách đường dây nóng cấp tỉnh; phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, lực lượng cảnh sát môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nội dung của Quy chế này;
d) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các hoạt động của đường dây nóng cấp tỉnh theo thẩm quyền;
đ) Tổ chức hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thiết lập, vận hành, quản lý đường dây nóng cấp huyện và cấp xã (nếu có);
e) Tổ chức tuyên truyền và công khai kết quả hoạt động của đường dây nóng trên địa bàn.
Trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp của UBND tỉnh trong tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường
Căn cứ Khoản 2 Điều này Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, thực hiện các nội dung sau:
a) Thiết lập, cập nhật số điện thoại và thư điện tử đường dây nóng tối thiểu đến cấp huyện (không sử dụng điện thoại và thư điện tử cá nhân cho đường dây nóng) đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 5 Quy chế này; tiếp nhận và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin nhằm quản lý thống nhất thông tin tiếp nhận, kết quả xử lý thông tin và xử lý vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng từ Trung ương đến địa phương;
b) Bố trí cán bộ, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức vận hành hệ thống đường dây nóng;
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các nội dung của Quy chế này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn