Người khuyết tật được cấp bảo hiểm y tế có phải mua bảo hiểm khi đi làm ở công ty hay không?

Người khuyết tật được cấp bảo hiểm y tế có phải mua bảo hiểm khi đi làm ở công ty hay không? Người khuyết tật đi làm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có bị cắt trợ cấp xã hội hằng tháng hay không? Con tôi là người khuyết tật nặng đã được cấp BHYT và hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tôi xin hỏi là con tôi đi làm thì có phải mua bhyt của công ty nữa không? Nếu tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì có bị cắt trợ cấp xã hội không? tôi xin chân thành cảm ơn.

Người khuyết tật được cấp bảo hiểm y tế có phải mua bảo hiểm khi đi làm ở công ty hay không?

Tại Khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi Khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:

Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.

Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.

Tại Điểm a Khoản 1 và Điểm g Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:

Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động); 

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:

g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

Như vậy, trong trường hợp của bạn, con bạn phải mua bảo hiểm y tế ở công ty và không được hưởng bảo hiểm y tế từ trợ cấp xã hội hằng tháng vì nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đứng trước nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Người khuyết tật đi làm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có bị cắt trợ cấp xã hội hằng tháng hay không?

Tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:

Điều 2. Thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

1. Đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP bao gồm:

a) Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

b) Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

c) Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;

d) Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách;

đ) Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

Như vậy, căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH thì việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ không phải là yếu tố để thôi hưởng trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu bạn thuộc 1 trong 4 điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH thì bạn sẽ không được tiếp tục hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người khuyết tật

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào