Thế nào là đường dây nóng về ô nhiễm môi trường? Nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng?
Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022 có quy định như sau:
Đường dây nóng là hệ thống khép kín, đồng bộ, bao gồm: điện thoại, thư điện tử (email); các thiết bị viễn thông; thiết bị công cụ hỗ trợ; Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; nhân sự và quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin của các tổ chức, cá nhân về đối tượng, hành vi và các thông tin liên quan đến ô nhiễm môi trường để các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Đường dây nóng bao gồm:
a) Đường dây nóng cấp Trung ương: đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Danh mục đường dây nóng về ô nhiễm môi trường cấp Trung ương cụ thể tại Phụ lục kèm theo Quy chế này;
b) Đường dây nóng cấp địa phương: đường dây nóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đường dây nóng cấp tỉnh), của Ủy ban nhân dân cấp huyện (đường dây nóng cấp huyện) và của Ủy ban nhân dân cấp xã (đường dây nóng cấp xã).
Nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường
Căn cứ Điều 5 Quy chế này nguyên tắc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường như sau:
1. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền; được thực hiện theo chế độ “Khẩn” và ưu tiên.
2. Đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cũng như đảm bảo bí mật thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Không sử dụng, lợi dụng đường dây nóng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân.
3. Việc cung cấp thông tin đường dây nóng phải đảm bảo nêu đầy đủ các nội dung cần thiết theo quy định tại Điều 8 Quy chế này và được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Từ chối tiếp nhận thông tin trong trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị không rõ ràng (không thể xác định được vụ việc cụ thể, địa điểm xảy ra). Nội dung thông tin đường dây nóng tiếp nhận phải được cập nhật, lưu trữ và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương qua Hệ thống thông tin.
4. Việc tiếp nhận thông tin đường dây nóng phải đảm bảo thông suốt, liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.
5. Thông tin đường dây nóng là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương tiến hành xác minh, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành đường dây nóng có trách nhiệm tiếp nhận mọi phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân thông qua đường dây nóng. Nội dung thông tin đường dây nóng phải được cập nhật, theo dõi, chuyển kịp thời đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường) qua Hệ thống thông tin để tiến hành xác minh thông tin.
7. Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin hoặc chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác minh tính chính xác của thông tin; cập nhật kết quả xác minh thông tin, xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình lên Hệ thống thông tin hoặc chuyển ngay kết quả xác minh thông tin và tài liệu, chứng cứ thu thập được (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc để triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
8. Căn cứ kết quả xác minh thông tin được cập nhật trên Hệ thống thông tin, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc có trách nhiệm phân công đơn vị chủ trì, phối hợp xử lý vụ việc; tổ chức kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) theo quy định của pháp luật.
9. Cơ quan tiếp nhận thông tin đường dây nóng có trách nhiệm phản hồi thông tin cho người cung cấp thông tin.
10. Cơ quan xử lý vụ việc có trách nhiệm công khai kết quả xử lý thông tin tiếp nhận hoặc kết quả xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn