Các loại tàu biển nào phải được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam?
Loại tàu biển nào phải được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam?
Tôi đang tìm hiểu về việc đăng ký tàu biển và có thắc mắc muốn nhờ mọi người giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Những loại tàu biển nào phải được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam? Vấn đề này có được văn bản pháp luật nào nói đến hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. XIn chân thành cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 19 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 thì những loại tàu biển phải được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam bao gồm:
- Tàu biển có động cơ với tổng công suất máy chính từ 75 kilôwatt (KW) trở lên;
- Tàu biển không có động cơ, nhưng có tổng dung tích từ 50 GT trở lên hoặc có trọng tải từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 mét (m) trở lên;
- Tàu biển nhỏ hơn các loại tàu biển trên nhưng hoạt động tuyến nước ngoài.
Trên đây là nội dung trả lời về những loại tàu biển phải được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015.
Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có cần phải đóng tiền bảo đảm cho việc bắt giữ hay không?
Tôi tên là Văn Toàn, là sinh viên năm 2 trường Đại học Mở Tp.HCM. Tôi có thắc mắc một số vấn đề và muốn hỏi mọi người như sau: Người yêu cầu bắt giữ tàu biển có cần phải đóng tiền bảo đảm cho việc bắt giữ hay không? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 ĐIều 132 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 thì người yêu cầu bắt giữ tàu biển phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho việc bắt giữ bạn nhé. Cụ thể, biện pháp này có thể được thực hiện theo một hoặc cả hai cách sau đây:
- Nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác;
- Gửi một khoản tiền hoặc giấy tờ có giá theo quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính của Tòa án vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong thời hạn chậm nhất là 48 giờ kể từ thời điểm nhận được quyết định đó.
Về giá trị bảo đảm tài chính thì sẽ do Tòa án ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng.
Trên đây là nội dung trả lời về việc đóng bảo đảm của người yêu cầu bắt giữ tàu biển. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015.
Có được sử dụng tên của đơn vị lực lượng vũ trang để làm một phần tên cho tàu biển được không?
Tôi đang muốn lấy tên của một đơn vị vũ trang để làm một phần tên cho tàu biển của tôi vì tôi thấy nếu đặt tên như vây thì tàu của tôi nghe tên thôi là thấy oai rồi. Vậy cho tôi hỏi: Tôi có được sử dụng tên của đơn vị lực lượng vũ trang để làm một phần tên cho tàu biển được không? Có văn bản pháp luật nào nói đến vấn đề này hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Về vấn đề này của bạn thì tại Khoản 2 Điều 21 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 có quy định như sau:
Tàu biển Việt Nam phải được đặt tên và theo nguyên tắc sau đây:
..........
Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;"
Như vậy, theo nguyên tắc này thì bạn không được sử dụng tên của đơn vị lực lượng vũ trang để làm một phần tên của tàu biển. Tuy nhiên, nếu bạn được đơn vị lực lượng vũ trang đó chấp thuận cho sử dụng tên của đơn vị để làm một phần tên của tàu biển thì bạn sẽ được sử dụng bạn nhé.
Để rõ hơn về cách đặt tên cho tàu biển thì Ban biên tập cũng cung cấp thêm cho bạn một số thông tin liên quan đến nguyên tắc đặt tên như sau:
- Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trên đây là nội dung trả lời về việc sử dụng tên của đơn vị lực lượng vũ trang để đặt tên cho tàu biển. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015.
Trân trọng!
Lê Bảo Y