Chị em không chung hộ khẩu có được cùng đứng tên trên sổ đỏ? Cơ quan nào có quyền cấp sổ đỏ cho người dân?
Chị em không chung hộ khẩu có được cùng đứng tên trên sổ đỏ?
Xin chào các Luật sư. Tôi muốn được tư vấn như sau: Tôi và chị ruột đều đã lập gia đình. Giờ tôi và chị ruột cùng góp vốn mua 1 mảnh đất, vậy tôi và chị ruột có được cùng đứng tên trên sổ đỏ không vì bây giờ 2 chị em không còn chung hộ khẩu như khi ở nhà bố mẹ đẻ nữa.
Trả lời:
Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật đất đai hiện hành không có quy định nào cấm 2 chị em không được cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một mảnh đất.
Do vậy, việc này là hoàn toàn có thể nếu đó là đất thuộc quyền sử dụng chung của hai người.
Cụ thể, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 thì:
Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Về cách thể hiện thông tin của 2 chị em trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được áp dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT. Cụ thể:
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì Giấy chứng nhận được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.
Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này; tiếp theo ghi "Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với... (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)".
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".
Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi "và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này"; đồng thời tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận được ghi: "Những người khác cùng sử dụng đất (hoặc cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:... (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn lại)".
Mặt khác, pháp luật không có quy định bắt buộc về mối quan hệ của những người chung quyền sử dụng đất. Do vậy vấn đề 2 chị em cùng hay khác sổ hộ khẩu cũng không ảnh hưởng gì đến quyền sử dụng đối với mảnh đất trên.
Cơ quan nào có quyền cấp sổ đỏ cho người dân?
Tôi thấy có sự mâu thuẫn khi chúng tôi làm hồ sơ chuyển nhượng đất thì cán bộ địa chính nói ủy ban huyện cấp sổ đỏ nhưng tại sao vẫn hướng dẫn chúng tôi nộp hồ sơ tại ủy ban xã. Vậy cuối cùng cơ quan nào mới có quyền cấp sổ đỏ cho người dân chúng tôi?
Trả lời:
Thứ nhất, về thẩm quyền cấp sổ đỏ:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai 2013 thì:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Theo quy định này, tùy từng đối tượng cụ thể mà thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Riêng đối tượng hộ gia đình, cá nhân trong nước sẽ thuộc thẩm quyền cấp sổ đỏ của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thứ 2: Về thủ tục nộp hồ sơ cấp sổ đỏ:
Căn cứ quy định tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì:
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật, công khai các thủ tục hành chính và việc lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, một trong các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn cấp tỉnh hoặc địa điểm theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đối với trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Theo quy định này, để được cấp sổ đỏ, người dân có thể lựa chọn 1 trong 2 cách:
- Cách 1: Nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Cách 2: Nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau đó Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai và thực hiện việc trả kết quả cho người dân.
Tuy nhiên, dù lựa chọn thực hiện theo cách nào thì thẩm quyền cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân trong nước vẫn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện như đã phân tích ở trên. Do vậy, trong trường hợp của anh, cán bộ địa chính ở xã hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ tại ủy ban xã và trả kết quả tại ủy ban xã là có căn cứ.
Anh cần phân biệt ở đây: ủy ban xã có thẩm quyền tiếp nhận và trả kết quả chứ không phải có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân.
Làm thể nào để chuyển từ sổ đỏ chung thành sổ riêng?
Mình đang ở trên đất của bố mẹ để lại. Sổ đỏ mang tên đồng sở hữu 7 người. Mình đã xây nhà ở trên đất này từ năm 1990 đến nay không có tranh chấp gì, mình có Hộ khẩu thường trú tại đây. Để làm Sổ đỏ riêng thì mình cần làm gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:
"29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất."
Do đó trong trường hợp hiện tại, sổ đỏ đó đang là tài sản chung của 7 người. Việc xác định quyền sở hữu của các thành viên trong hộ gia đình được quy định tại Điều 212 Bộ Luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
"1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác."
Nên, trước khi yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường làm lại Sổ đỏ cho riêng bạn thì bạn phải làm văn bản khước từ tài sản có chữ ký của các thành viên trong hộ khẩu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử đất.
Để chuyển quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ sở hữu chung sang cá nhân, những người cùng chung quyền sở hữu phải làm thủ tục tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu của mình sang cho người khác.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi