Người được đặc xá liệu có miễn trách nhiệm hình sự?

Người được đặc xá liệu có miễn trách nhiệm hình sự? Bệnh nhân ghép thận có được miễn thi hành án hình sự? Người gây tai nạn có được miễn trách nhiệm nếu gia đình nạn nhân có đơn bãi nại?

Người được đặc xá liệu có miễn trách nhiệm hình sự?

Xin hỏi quy định liên quan đến hình sự thì đối với người được đặc xá có miễn trách nhiệm hình sự hay không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

Như vậy, có thể thấy đặc xá không phải là điều kiện để được miễn tránh nhiệm hình sự mà ta thường thấy ở đặc xá là người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt. Do đó, đối với miễn trách nhiệm hình sự áp dụng cho đại xá và điều kiện ở Điểm a Khoản 1 nêu trên.

Bệnh nhân ghép thận có được miễn thi hành án hình sự?

Tôi trước tết nguyên đán bị cơ quan công an huyện bắt quả tang vận chuyển 8,5kg pháo hoa. Sắp tới đây toà án đưa ra xét xử. Khung hình phạt là từ 6 tháng đến 3 năm về tội “ tàng trữ hàng cấm”. Nhưng tôi là bệnh nhân ghép thận năm 2010. Xin hỏi tôi có được miễn thi hành án hay không?

Trả lời:

Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt:

1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

7. Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì bệnh nhân ghép thận không thuộc trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù. Nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 thì bạn có thể được tạm hoãn chấp hành án phạt tù cho đến khi hồi phục sức khỏe.

Người gây tai nạn có được miễn trách nhiệm nếu gia đình nạn nhân có đơn bãi nại?

Liên quan đến vụ tai nạn tại hàng xanh, mặc dù gia đình nạn nhân có đơn bãi nạn nhưng người gây tai nạn vẫn phải lãnh án 3.5 năm. Nhờ Luật sư giải thích dùm tại sao gia đình nạn nhân có đơn bãi nại nhưng họ vẫn phải lãnh án.

Trả lời:

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì:

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Từ những quy định nói trên, việc gia đình bị hại có đơn xin không truy cứu trách nhiệm hình sự với người gây ra tai nạn sẽ không phải là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ vụ án vì tội danh này không thuộc trường chỉ được khởi tố khi có đơn yêu cầu của bị hại.

Tuy nhiên, việc gia đình bị hại có đơn bãi nại có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho tài xế tại Khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đặc xá

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào