Người đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản không?

Người đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản không? Cha mẹ che giấu con cướp giật tài sản của người khác có phải chịu TNHS? Phạm tội cướp giật tài sản, bao lâu thì được xóa án tích?

Người đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản không?

Xin chào, vừa qua bạn em đã đủ 14 tuổi có thực hiện giật tài sản của người khác, tài có giá trị khoảng 20 triệu và không gây thương tích cho người bị cướp. Cho hỏi bạn em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không ạ? Nhờ tư vấn giúp.

Trả lời:

- Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

- Theo Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:

+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

- Theo Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 thì chỉ có khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng và khoản 4 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới đủ yếu tố để cấu thành tội phạm đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Kết luận: Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn của bạn cướp giật tài sản có giá trị khoảng 20 triệu và không gây thương tích. Như vậy, căn cứ quy định trên thì bạn của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này mà chỉ chịu trách nhiệm hành chính và dân sự theo quy định.

Cha mẹ che giấu con cướp giật tài sản của người khác có phải chịu TNHS?

Cha mẹ che giấu con cướp giật tài sản của người khác thì có phải chịu TNHS? Nhờ hỗ trợ quy định cụ thể cho trường hợp này.

Trả lời:

Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về che giấu tội phạm như sau:

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình trừ các trường hợp nêu trên.

Đối với Tội cướp giật tài sản (Điều 171) Bộ luật Hình sự 2015, theo quy định thì tội này thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên tội này không được quy định tại Điều 389 như quy định trên.

Cho nên trường hợp cha mẹ che giấu con phạm tội cướp giật tài sản thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phạm tội cướp giật tài sản, bao lâu thì được xóa án tích?

Con tôi phạm tội cướp giật tài sản, bị phạt tù một năm và đã chấp hành xong hình phạt tù, tôi muốn hỏi bao giờ cháu được xóa án tích?

Trả lời:

Căn cứ Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về các trường hợp đương nhiên xóa án tích cụ thể như sau:

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì tội phạm mà con chị phạm phải là tội phạm được quy định tại chương XVI về xâm phạm quyền sở hữu chứ không thuộc tội phạm quy định tại hai chương XII và XVI do vậy trong trường hợp này nếu con chị chỉ bị áp dụng hình phạt tù 01 năm đối với hành vi cướp giật tài sản và không bị áp dụng các hình phạt bổ sung nào khác thì trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù thì con chị sẽ được đương nhiên xóa án tích. Mặt khác nếu ngoài hình phạt tù con chị còn bị áp dụng thêm các hình phạt bổ sung mà có thời gian dài hơn các thời hạn quy định tại điểm a b c Điều 70 Bộ luật hình sự thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm con chị chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà chị thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trách nhiệm hình sự

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào